Tin KHCN trong nước
Hoạt động nhập khẩu công nghệ phải gắn với đào tạo nhân lực (01/06/2016)
-   +   A-   A+   In  

Đó là ý kiến của rất nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự Phiên họp Hội đồng lần thứ IX của Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia tổ chức ngày 27/5/2016 với chủ đề “Hoạt động nhập khẩu công nghệ: Thực trạng và xu hướng. Vai trò, vị trí và đóng góp của công nghệ nhập trong quá trình đổi mới công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Toàn cảnh phiên họp

 

Tham dự Phiên họp có đồng chí Hoàng Văn Phong, Phái viên Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia; các Ủy viên, Chuyên gia cao cấp của Hội đồng; các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ KH&CN; đại diện một số Bộ, ngành liên quan cùng các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Đặc biệt, phiên họp còn có sự tham dự của GS. Tung Yi-Lee, Tham tán KH&CN, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam.

 

GS. Hoàng Văn Phong, Phái viên Thủ tướng Chính phủ về KH&CN,

Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia phát biểu tại phiên họp

 

Tại Phiên họp, các đại biểu đã trình bày tham luận liên quan đến những vấn đề: hoạt động nhập khẩu công nghệ - thực trạng, nguyên nhân và giải pháp; thực trạng về hoạt động nhập khẩu công nghệ của Việt Nam; chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong hoạt động nhập khẩu trang thiết bị, máy móc; vai trò, vị trí của công nghệ nhập đối với sự phát triển của Công ty Nanogen; chính sách và kinh nghiệm của Đài Loan trong nhập khẩu công nghệ; ICDREC với hoạt động chuyển giao công nghệ; chuyển giao công nghệ của Viện Di truyền Nông nghiệp thông qua hoạt động nghiên cứu và triển khai;…

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, những năm gần đây, giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng và cao gấp 3 lần giá trị xuất khẩu cùng ngành hàng. Trong các ngành hàng nhập khẩu, đây là ngành hàng luôn dẫn đầu về tỉ trọng trong tổng giá trị nhập khẩu. Năm 2014, tỉ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác chiếm 15.2% tổng nhập khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu của ngành hàng này chỉ chiếm 4.9% tổng giá trị xuất khẩu, xếp thứ 6 trong 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất (điện thoại và linh kiện đứng đầu).

 

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BKAV

giới thiệu hoạt động nghiên cứu triển khai công nghệ của BKAV

 

Theo ông Nguyễn Đình Minh, Tổng Thư ký Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia, để nắm bắt thông tin về thực trạng nhập khẩu công nghệ, phục vụ phiên họp của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia đã có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan. Kết quả cho thấy, nhìn chung, việc theo dõi, thống kê, đánh giá các công nghệ nhập của các Bộ, ngành chưa thực hiện được. Chưa tổ chức được việc theo dõi, thống kê, đánh giá công nghệ nhập một cách hệ thống. Vì vậy, chưa đánh giá chính xác được giá trị, số lượng, chủng loại của các công nghệ nhập theo từng lĩnh vực.

 

Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp sản xuất trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ khí, điện – điện tử, xây dựng, y tế, chế biến nông lâm sản,… phần lớn các doanh nghiệp có xu hướng nhập nguyên chiếc máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ để sử dụng, miễn sao đạt được mục tiêu sản xuất kinh doanh, đạt lợi nhuận cao, hầu như ít quan tâm đến nội hàm công nghệ được sử dụng kèm theo.

 

Các chủ trương, cơ chế, chính sách về thúc đẩy nhập khẩu và chuyển giao công nghệ đã được ban hành từ lâu. Cụ thể, chính sách thuế để thúc đẩy hoạt động nhập khẩu và chuyển giao công nghệ đã được đề cập đến trong Luật KH&CN năm 2000, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006,… Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách này còn nhiều hạn chế. “Nếu hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhập khẩu công nghệ không tạo được sự quan tâm của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước không vào cuộc thì việc quản lý nhập khẩu và chuyển giao công nghệ, đánh giá trình độ công nghệ nhập khẩu vào Việt Nam là khó khả thi”, ông Nguyễn Đình Minh nhấn mạnh.

 

Bên cạnh việc đưa ra thực trạng nhập khẩu công nghệ, Phiên họp đã tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến xu hướng nhập khẩu công nghệ; vai trò, vị trí, đóng góp của công nghệ nhập trong quá trình đổi mới công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;… Đồng thời làm rõ vai trò của các viện nghiên cứu, trường đại học cũng như các nhà khoa học tại các viện, trường trong hoạt động đổi mới công nghệ, đặc biệt với các công nghệ mới, hiện đại.

 

Rất nhiều bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã được các đại biểu đưa ra. Ví dụ như Hàn Quốc: Nhập toàn bộ máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất khi chưa đủ năng lực sản xuất. Sau khi làm chủ công nghệ nhập, nhập khẩu công nghệ có chọn lọc, tập trung vào các công nghệ nguồn, công nghệ chủ đạo tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, sức cạnh tranh lớn. Còn Thái Lan, chiến lược chuyển giao, nhập khẩu công nghệ lại chủ yếu thông qua đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI. Với Đài Loan, đầu tiên công nghệ được nhập vào qua kênh FDI. Sau đó chuyển sang tập trung nguồn lực để nhập công nghệ dưới hình thức nhượng quyền sử dụng (Li-xăng), tiến tới chủ động nghiên cứu và phát triển, chủ động khai thác công nghệ, làm chủ và sáng tạo công nghệ.

 

Phát biểu kết luận phiên họp, GS. Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia cho rằng, trên cơ sở ý kiến đề xuất cũng như kinh nghiệm các đại biểu đưa ra liên quan đến hoạt động nhập khẩu công nghệ, có thể nói muốn có công nghệ phải tìm kiếm, sau đó làm chủ công nghệ. Cần lựa chọn các công nghệ hiện đại, nhưng cũng phải tránh các công nghệ đang ở giai đoạn thử nghiệm. Việc nhập khẩu công nghệ nhất quyết phải gắn với đào tạo nhân lực, phải giải mã, nghiên cứu triển khai, phát triển và hoàn thiện công nghệ. Hội đồng sẽ biên tập, chắt lọc ý kiến, kiến nghị của các đại biểu và đưa ra các đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với hoạt động nhập khẩu công nghệ.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 5860

Về trang trước Về đầu trang