Tin KHCN trong nước
Hiệu quả từ ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nấm (24/05/2016)
-   +   A-   A+   In  

Những năm gần đây, nghề trồng nấm đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương, dần được định hình là một nghề mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, khi áp dụng quy trình trồng nấm ở quy mô công nghiệp, doanh nghiệp còn gặp không ít vướng mắc, khó khăn.

Hiện nay đã có 56 dự án trồng nấm được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ theo Chương trình nông thôn miền núi, đã triển khai thực hiện hơn 47 tỉnh, thành phố. Các địa phương đã tiếp nhận và hoàn toàn làm chủ công nghệ từ khâu sản xuất giống, đóng bịch, cấy giống. Các hộ dân trên địa bàn sau khi được chuyển giao công nghệ trồng nấm, chỉ cần thực hiện việc chăm sóc, thu hái theo quy mô gia đình, trang trại. Địa phương, doanh nghiệp đóng vai trò thu mua sản phẩm, chế biến và tiêu thụ tại thị trường, giúp người dân yên tâm khi luôn được bảo đảm có “đầu ra” cho sản phẩm. Theo Giám đốc Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động (Công ty Ngọc Động) Nguyễn Xuân Mai, nấm ăn, nấm dược liệu được nuôi trồng tại các vùng nông thôn, miền núi bằng việc tận dụng các vật tư sau khi thu hoạch, chế biến như: mùn cưa, rơm rạ, bã mía, trấu, lõi ngô… Do đó sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với sản phẩm cây trồng khác trong nông nghiệp.

 

Việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nấm đã mang lại hiệu quả cao, tạo được các quy trình trồng nấm, tăng sản lượng, chất lượng. Công ty Ngọc Động đã xây dựng các phòng nghiên cứu, nuôi cấy để tạo ra các bịch phôi nấm bán cho người dân, hướng dẫn quy trình trồng tại nhà và mua lại sản phẩm, tạo nên một chu trình khép kín. Nhờ mô hình này, đến nay Công ty Ngọc Động đã ký hợp đồng hợp tác được từ 80% đến 90% hộ dân trồng nấm trên toàn tỉnh, mỗi năm đem lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng, đưa Công ty Ngọc Động trở thành doanh nghiệp hàng đầu tỉnh Hà Nam về sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm.

 

Theo TS Đặng Đình Thoảng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Nam, hiện nay tại tỉnh nhiều hộ gia đình đã có các trang trại nuôi trồng các loại nấm, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, trở thành mô hình điểm của tỉnh. Người dân đã có những nhận thức mới về KH&CN khi ứng dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam, khẳng định vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đã có nhiều nơi đến tham quan, tìm hiểu và học hỏi mô hình trồng nấm để về phát triển tại địa phương. Báo cáo từ Sở KH&CN tỉnh Hà Nam cho thấy, vào năm 2012, toàn tỉnh mới có 86 hộ triển khai sản xuất nấm ăn thì đến năm 2013 đã có 230 hộ với 276 mô hình sản xuất các loại nấm ăn, sản lượng đạt hơn 250 tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần một nghìn hộ sản xuất nấm ăn, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 60 đến 70 triệu đồng/hộ/năm. Do đó, nghề trồng nấm của tỉnh đang phát triển mạnh, định hình một nghề mới. Có nhiều người dân, doanh nghiệp đã và đang chuyển mũi nhọn kinh doanh sang các loại sản phẩm về nấm.

 

Nhưng doanh nghiệp đầu tư vào nghề trồng nấm cũng gặp không ít những khó khăn trong quá trình triển khai ở quy mô công nghiệp. Theo Giám đốc Nguyễn Xuân Mai, nấm được đánh giá là một cây trồng rất nhạy cảm về thời tiết và môi trường, cho nên năng suất, vụ mùa dễ bị ảnh hưởng do sự biến đổi của nhiệt độ. Như việc môi trường nuôi cấy giống phải đạt 55% độ ẩm, nếu độ ẩm không khí lớn hơn, hoặc nóng hơn thì toàn bộ sẽ bị mốc, hỏng. Về vấn đề này, không phải cứ đưa công nghệ vào là giải quyết được, cần có thực tiễn nghiên cứu của các nhà khoa học để trồng nấm ở quy mô công nghiệp. Một căn nhà khoảng 200 m2 chứa được khoảng 50 nghìn bịch nấm, mà cứ mỗi 200 bịch nấm sẽ tiêu thụ không khí bằng một người. Như vậy, căn nhà đó sẽ chứa tương đương với 250 người cùng “thở”, lượng ô-xy không đủ nên việc bảo quản rất khó khăn, nhà khoa học chưa tính đến thực tế này. Điều đó cho thấy, nhiều nhà khoa học từ trước đến nay vẫn chỉ hướng dẫn cho người dân, ở quy mô nhỏ thì hiệu quả, nhưng khi đưa lên quy mô công nghiệp thì lại gặp nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp còn ít hơn so với doanh nghiệp tự đầu tư, cho nên việc phát triển toàn diện trong khâu chế biến và xúc tiến thương mại sản phẩm còn yếu, chưa đủ sức cạnh tranh. Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, cây nấm Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế về chất lượng hơn so với sản phẩm từ nước ngoài hiện nay trên thị trường, do đó tiềm năng phát triển các ngành nghề về cây nấm của Việt Nam còn tăng hơn nữa nếu được đầu tư, phát triển đúng hướng. Nhưng do đặc thù ở khu vực nông thôn, người dân còn e ngại gặp phải rủi ro trong quá trình trồng nấm, chỉ tham gia khi nhìn thấy hiệu quả từ những người khác đã thực hiện thành công, cho nên sự phát triển của việc trồng nấm hiện nay vẫn chưa đúng với tiềm lực của các địa phương. Doanh nghiệp và người dân cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa thông qua các chính sách cụ thể như đất đai, vốn vay, xây dựng các trang trại nhỏ… đưa nghề trồng nấm là chỉ tiêu cho các xã, huyện để trở thành một ngành hàng lớn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

 

Nhờ những lợi ích thiết thực, công nghệ nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu đang được nhiều địa phương áp dụng rộng rãi. Nếu được tổ chức, đầu tư hợp lý và phối hợp tốt giữa trung ương, địa phương, các ban, ngành, chắc chắn quy trình công nghệ sản xuất nấm sẽ có được những thành quả to lớn. Qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm một nghề mới cho người dân, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch phục vụ cho xã hội.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 7071

Về trang trước Về đầu trang