Hợp tác quốc tế
Diễn đàn Việt - Nhật lần thứ 6 về Nghiên cứu và Phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân (25/05/2016)
-   +   A-   A+   In  

Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác quốc tế với Nhật Bản, sáng ngày 19/5/2016, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) phối hợp cùng Công ty Phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản (JINED) và Trung tâm Thông tin và Văn hóa Nhật Bản (JICC) đã khai mạc Diễn đàn Việt – Nhật lần thứ 6 về Nghiên cứu và Phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân tại Hội trường Trung tâm Đào tạo, Viện Nghiên cứu hạt nhân, số 01 Nguyên Tử Lực, Đà Lạt, Lâm Đồng.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Việt – Nhật lần thứ 6 về nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân tại Đà Lạt

 

Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có lãnh đạo Viện NLNTVN, lãnh đạo các đơn vị - ban ngành trực thuộc Viện NLNTVN, đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, đại diện các trường đại học như: Đại học Điện lực, Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, Đại học Đà Lạt. Về phía khách mời, Hội thảo vinh dự có sự góp mặt của TS. Lưu Lâm, Vụ Đào tạo Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại biểu từ Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận - Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đội ngũ làm công tác thông tin tuyên truyền Đài Truyền hình Lâm Đồng.

 

Về phía Nhật Bản có sự tham dự của các giáo sư, các nhà nghiên cứu và sinh viên đến từ Học viện Công nghệ Tokyo, Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Nagaoka; các nhà quản lý đại diện cho JINED và các công ty, tập đoàn Mitsubishi, Toshiba, Hitachi, v.v.

Chủ đề thảo luận của Diễn đàn lần này tập trung chủ yếu vào các Hướng nghiên cứu và Công nghệ mới về Điện tử hạt nhân, Đo lường & Điều khiển trong nhà máy điện hạt nhân và các ứng dụng bức xạ tại Việt Nam, theo đó, đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong chương trình nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân.

 

Mở đầu Hội nghị, TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện NLNTVN và GS. Masaki SAITO – Học viện Công nghệ Tokyo đã phát biểu khai mạc và chào mừng các đại biểu tới tham dự Diễn đàn.

 

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN phát biểu khai mạc Diễn đàn

 

Tiếp đó, Hội nghị diễn ra với 13 bài trình bày trong đó có 6 báo cáo của các đại biểu Việt Nam và 7 bài của các đại biểu Nhật Bản. Tại đây, các đại biểu đã được nghe TS. Trần Chí Thành trình bày và giới thiệu bức tranh tổng thể về hiện trạng chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam, các chính sách hỗ trợ điện hạt nhân, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, các hướng nghiên cứu an toàn điện hạt nhân. Các chính sách và đề án mà Chính phủ đã phê duyệt đều nhằm mục đích hỗ trợ chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam một cách toàn diện như việc tăng cường đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng vấn đề đào tạo đội ngũ chuyên gia theo các hướng ưu tiên (Nuclear Energy Specialists Training – NEST), tập trung phát triển hệ thống quốc gia giám sát bức xạ và ứng phó sự cố (SRMER) và cơ sở hạ tầng quốc gia cho nhà máy điện hạt nhân. Cùng với sự tạo điều kiện của Chính phủ, việc hợp tác sâu rộng hơn nữa với các cơ quan trong nước và đối tác nước ngoài trong chương trình hành động nhằm xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu và triển khai thuộc lĩnh vực điện hạt nhân được nhấn mạnh và kỳ vọng sẽ mang lại nhiều bước tiến đáng kể trong tương lai.

 

Nhân dịp này, các báo cáo viên Việt Nam đã trình bày và chia sẻ kinh nghiệm trong việc cải tiến hệ thống điều khiển lò phản ứng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hạt nhân, các hướng nghiên cứu gần đây liên quan đến công nghệ đo bức xạ và kết quả nghiên cứu – triển khai của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, các hoạt động đo lường và điều khiển tại Trung tâm Đánh giá không phá hủy; báo cáo kết quả nghiên cứu ứng dụng phương pháp xử lý tín hiệu số (DSP) để thiết kế, chế tạo các hệ phổ kế hạt nhân, kết quả đo nền phóng xạ môi trường tại Việt Nam khi xảy ra tai nạn Fukushima ở Nhật Bản.

 

Nhật Bản có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, do đó các bài trình bày của các đại biểu Nhật Bản về hệ thống đo lường và điều khiển rất chi tiết, cho thấy những bài học thực tiễn, có tính ứng dụng cao và theo sát xu hướng toàn cầu. Theo đó, báo cáo của Nhật đưa ra hướng công nghệ đo lường và điều khiển kỹ thuật số của lò phản ứng nước nhẹ, cách tiếp cận việc bảo dưỡng dài hạn đối với thiết bị đo lường và điều khiển trong nhà máy điện hạt nhân PWR, các biện pháp ứng phó tai nạn nghiêm trọng và bức tranh tổng quát về công nghệ giám sát bức xạ cho nhà máy điện hạt nhân.

Xen kẽ các phần báo cáo của đại biểu hai phía là những câu hỏi, góp ý về nội dung liên quan đến bài trình bày, trong đó các vấn đề tiêu biểu được các đại biểu Việt Nam quan tâm gồm việc vận hành lại các nhà máy điện hạt nhân, giải pháp về công tác tuyên truyền điện hạt nhân với dân chúng sau sự cố Fukushima, những ích lợi của hệ đo lường và điều khiển kĩ thuật số, đặc biệt là kế hoạch trợ giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân. Theo đó, đại diện phía Nhật Bản khẳng định lại số lượng học viên Việt Nam được đào tạo tại Nhật hiện nay là 60 người. Ngoài ra, ngân sách của Bộ Giáo Dục – Đào tạo Nhật Bản hiện nay cho phép tiếp tục đào tạo 100 người, trong đó đối tượng theo học có thể đến từ các Viện nghiên cứu và các trường Đại học Việt Nam. Tính đến thời điểm này, Nhật Bản đã tuyển chọn được 10 sinh viên ở trình độ Đại học của trường Đại Học Bách Khoa để tham gia chương trình đào tạo. Tựu chung lại, phần hỏi đáp và trao đổi ý kiến giữa các đại biểu đã diễn ra tích cực, thẳng thắn và trên tinh thần xây dựng, nhất trí cao.

 

Bên cạnh Phiên toàn thể và Phiên chuyên ngành trong đó bao gồm phần trình bày báo cáo miệng (oral presentation), báo cáo dán bảng (poster) và thảo luận chung của các đại biểu như trên đã đề cập, một nét mới tại chương trình Diễn đàn lần thứ 6 là phần Thảo luận nhóm (Group Discussion) với sự tham gia của các bạn sinh viên trẻ đến từ trường Đại học Đà Lạt, Việt Nam và các trường đại học của Nhật Bản, nghiên cứu viên trẻ từ Viện Nghiên cứu hạt nhân và Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận trong ngày thứ hai của Hội nghị, 20/5/2016.

 

Các sinh viên Việt Nam và Nhật Bản, nghiên cứu viên trẻ từ Viện Nghiên cứu hạt nhân và Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đang thảo luận nhóm dưới sự cố vấn của chuyên gia Nhật Bản

 

Dưới sự cố vấn của các chuyên gia Nhật Bản cùng tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, ba nhóm sinh viên được sắp xếp ngẫu nhiên cùng trao đổi ý tưởng về chủ đề chung: "Nhật Bản và Việt Nam nên có những giải pháp nào để đáp ứng nhu cầu năng lượng đồng thời giải quyết các mối quan ngại về môi trường và lợi ích kinh tế? Hai nước có thể hợp tác trong những lĩnh vực nào?". Từ đây các nhóm cần tìm ra các chủ đề nhỏ hơn để giải quyết, chẳng hạn như giải pháp xúc tiến điện hạt nhân tại Việt Nam, giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, biện pháp nâng cao an toàn nhà máy điện hạt nhân trong tương lai của Việt Nam, giải pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của điện hạt nhân với con người và môi trường, chính sách cần thực thi nhằm hỗ trợ dự án điện hạt nhân trong tương lai.

 

Sinh viên trình bày ý tưởng tại Diễn đàn

 

Trên đây có thể coi là những chủ đề thú vị, nhưng đồng thời là những thử thách đang cần nhiều giải pháp cấp bách liên quan đến lĩnh vực điện hạt nhân. Các nhóm đều nêu ra một số những giải pháp chung như quảng bá, tuyên truyền rộng rãi về lợi ích của năng lượng hạt nhân, đẩy mạnh hợp tác đào tạo quốc tế và nội địa, giải quyết được các vấn đề về chính sách, tài chính và cơ sở hạ tầng. Trong đó, nhóm đạt giải nhất tại Diễn đàn lần này đã gây ấn tượng với Ban giám khảo với ý tưởng khác biệt về xử lý chất thải hạt nhân bằng cách đẩy chất thải sâu xuống địa tầng và chuyển ra ngoài vũ trụ. Thêm vào đó là giải pháp cải thiện việc sử dụng năng lượng như Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nhập khẩu các thiết bị tiết kiệm điện với giá thành ưu đãi; giảm thiểu công nghiệp tiêu hao năng lượng và gây ô nhiễm cao như thép, áp dụng rộng rãi công nghệ mới đảm bảo ô nhiễm thấp và tiêu hao ít năng lượng như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp nặng, công nghiệp dịch vụ; phát triển nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, tận dụng các nguồn năng lượng rẻ như thuỷ điện và hạt nhân. Chỉ sau nửa ngày thảo luận tích cực, nhìn chung, phần trình bày của các bạn trẻ được Ban giám khảo đánh giá cao về năng lực ngoại ngữ, sự tự tin và những nỗ lực thể hiện ý tưởng và giải đáp câu hỏi từ phía các đại biểu.

 

Nhóm đạt giải nhất tại Phần Thảo luận nhóm lần đầu tiên được tổ chức tại Diễn đàn

 

Tại phiên bế mạc Diễn đàn, PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền – Phó Viện trưởng Viện NLNTVN và GS. Masaki SAITO, Học viện Công nghệ Tokyo trao giấy chứng nhận và phần thưởng cho các báo cáo viên poster xuất sắc và nhóm thảo luận đạt giải nhất. Kết thúc hai ngày làm việc, PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền và GS. Jun SUGIMOTO – Đại học Tokyo, đại diện cho hai phía phát biểu tổng kết Hội nghị. Hội nghị diễn ra thành công với nhiều ý kiến trao đổi và đóng góp từ các chuyên gia, các cán bộ chuyên môn cho từng nội dung trình bày, đặc biệt, hoạt động Thảo luận nhóm lần đầu tiên được tổ chức với kết quả thảo luận tốt, hứa hẹn là một nơi giao lưu, học hỏi cho các bạn sinh viên hai nước. Liên quan đến chương trình Diễn đàn tiếp theo, hai bên nhất trí sẽ tổ chức vào mùa thu năm nay tại Hà Nội xoay quanh các chủ đề dự kiến về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực cụ thể của điện hạt nhân, có thể là thuỷ nhiệt, tai nạn nghiêm trọng và hoá nước./.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 3552

Về trang trước Về đầu trang