Anh Lê Quang Thịnh, Trợ lý điều phối viên sản xuất, Công ty TNHH Vard Vũng Tàu là một tấm gương giàu nghị lực, trí tuệ và sáng tạo. 6 năm công tác tại công ty, anh đã có 10 sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật được áp dụng tại DN. Anh Thịnh cho biết, mọi ý tưởng của anh đều bắt nguồn từ công việc thực tế như trong quá trình làm việc, NLĐ còn mất nhiều sức, các thiết bị sản xuất tiêu hao nhiều điện năng… Vì vậy, anh đã nghiên cứu, tìm ra các sáng kiến cải tiến phương pháp làm việc và tiết kiệm cho DN. Trong số các sáng kiến của mình, anh Thịnh tâm đắc nhất 2 sáng kiến cải tiến phương pháp làm việc và quy trình trên tàu V804 và V805 (tàu dịch vụ phục vụ cho việc khai thác và thăm dò dầu khí, xuất khẩu sang thị trường Úc). Cụ thể, sáng kiến “hệ thống ống bệ đỡ trên tàu V804 và V805” được hình thành do bộ phận Outfiting (kết cấu phụ trên tàu) sử dụng phương pháp cắt ống, nối ghép ống thành khung và hàn nên có nhiều mối hàn, vừa mất công, chất lượng không cao. Ống to và dày, mỗi lần CN vận chuyển lên tàu mất thời gian và vất vả. Anh Thịnh sửa bản vẽ chế tạo, đưa các vị trí cắt ống nối bằng vị trí các co nối ống tiêu chuẩn, toàn bộ khung ống bệ đỡ chỉ để lại một mối hàn trên tàu. Với cách làm này, anh Thịnh đã tiết kiệm được 200 giờ làm việc và 20m đường ống các loại. Trong một sáng kiến khác, anh nhận thấy trên mỗi tàu V804 và V805 chỉ có 1 van chống va đập có giá 10.000USD/cái. Nhưng do nhà cung cấp mắc thiếu sót không có chứng chỉ DNV (đăng kiểm quốc tế của Na-uy), chức năng hoạt động của van không đạt yêu cầu. Từ đó, anh đã tự sửa và lấy chứng chỉ DNV thành công tại nhà máy cho loại van này. Với sáng kiến đó, anh đã tiết kiệm cho DN khoảng 3.000USD.
Anh Mã Thành Phương, Trưởng phòng kỹ thuật Xí nghiệp chế biến hải sản, Công ty CP Thủy sản Xuất nhập khẩu Côn Đảo đã có một bảng thành tích “khủng” về các sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Tính từ năm 2010 đến nay, anh Phương đã có hơn 20 sáng kiến, được áp dụng tại DN, mang lại hiệu quả cao. Điển hình như năm 2015, anh có sáng kiến “Cải tiến chế tạo máy định lượng sản phẩm phối trộn rau củ”. Anh Phương cho biết, sản phẩm mô phỏng xuất khẩu sang Nhật đa số đều được phối trộn giữa Surimi và các loại rau, củ như cà rốt, hành, bắp, phô mai… và được máy bơm định lượng ra để định hình sản phẩm. Nhưng hệ thống bánh răng của máy bơm có khuyết điểm khi hoạt động sẽ nghiền nát các loại rau củ khi phối trộn với Surimi. Do đó, anh cải tiến máy bơm định lượng cánh xoắn thay thế máy bơm bánh răng. Sau một thời gian mày mò, nghiên cứu, anh đã chế tạo thành công máy bơm định lượng cánh xoắn. Hiện máy đang được áp dụng vào sản xuất tại công ty, tiết kiệm đầu tư chi phí chế tạo gần 20 triệu đồng/máy.
Còn anh Hà Ngọc Thịnh, Tổ trưởng Tổ gia công cắt gọt, Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân cũng là tấm gương sáng trong phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo của công ty. Với 13 năm kinh nghiệm làm việc, anh đã phát hiện và nghiên cứu thành công nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp DN giảm bớt chi phí sửa chữa máy móc và tăng năng suất làm việc cho CN. Cụ thể, sáng kiến thay máy hàn điện bằng công nghệ Mig-Max làm tăng hiệu quả làm việc gấp 3 lần so với máy hàn điện hồ quang; hoặc ý tưởng cải tạo bạc bánh xa luân DC3 đã giảm thiểu hư hỏng cho các thiết bị máy móc. Nếu như trước đây chưa cải tạo, trung bình mỗi tháng hư một lần nhưng khi áp dụng ý tưởng này thì một năm thiết bị vẫn chưa phải sửa chữa. “Các thiết bị được thay thế hay cải tạo ở các sáng kiến đều do tôi tự gia công lấy nên tiết kiệm một phần kinh phí từ việc mua thiết bị từ bên ngoài. Vì thế, các sáng kiến mới tăng giá trị, hiệu quả tiết kiệm cao” - anh Thịnh nói thêm.
3 gương mặt CN vừa nêu là những cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. Ngoài giỏi nghề, họ còn là những CN có trí tuệ, đam mê nghiên cứu, sáng tạo để cho ra đời nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị, xứng đáng là CN xuất sắc của các đơn vị.