Tin KHCN trong nước
Khoán chi để thúc đẩy nghiên cứu khoa học (25/02/2016)
-   +   A-   A+   In  

Nhằm giảm bớt “gánh nặng” về thủ tục giấy tờ, quyết toán kinh phí, “giải phóng” cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa ban hành Thông tư 27 quy định về các hình thức khoán chi sản phẩm khoa học, điều mà các nhà khoa học luôn trông đợi.

Khó nhất là... thủ tục

Thời gian qua, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý vẫn “than thở” rằng khi triển khai các công trình nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước, ngoài sự vất vả làm chuyên môn họ còn phải “đau đầu” hơn với sự rườm rà của thủ tục giấy tờ, chứng từ, hóa đơn... để được nghiệm thu sản phẩm. Thậm chí nhiều khi xong hết thủ tục vẫn phải vừa làm vừa chờ kinh phí, khiến không ít người cảm thấy chán nản.

 

Để nghiên cứu ra sản phẩm máy bơm hướng trục buồng xoắn HT 3600 - 5 được đánh giá là hiện đại hàng đầu thế giới, TS Phạm Văn Thu, Viện trưởng Viện Bơm và Thiết bị thủy lợi, Viện Khoa học thủy lợi cho biết: Công trình này được công nhận là đề tài cấp bộ và đưa vào dự án hoàn thiện công nghệ, được cấp kinh phí triển khai. Tuy nhiên, hầu như ở công đoạn nào, nhóm nghiên cứu cũng phải tự đi vay tiền từ bên ngoài để làm vì việc hoàn thành thủ tục giấy tờ để nhận kinh phí mất rất nhiều thời gian. Thậm chí khi đề xuất kinh phí còn thường xuyên bị “hạ xuống” khiến chi phí đầu tư nghiên cứu luôn “bị âm”.

 

Không chỉ TS Phạm Văn Thu, nhiều nhà khoa học cũng tỏ ra “ngán ngẩm” với việc đề xuất và thực hiện những đề tài sử dụng ngân sách Nhà nước vì ngại “va chạm” với thủ tục giấy tờ.

 

PGS,TS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cũng cho biết, để thanh toán kinh phí một đề tài nghiên cứu của mình, ông đã từng phải sao chụp hồ sơ đề tài của 2 năm, với khối lượng giấy tờ tới khoảng gần 4 kg. Đa số các khoản chi này rất nặng nề về thủ tục, nhất là việc thanh toán công lao động, trong khi đó, nhiều giấy tờ thực sự không cần thiết.

 

Cũng chính sự nặng nề trong thủ tục, cũng như chi phí đầu tư chưa hợp lý để hỗ trợ cho các nhà khoa học nghiên cứu, nhiều vấn đề tiêu cực dễ phát sinh như: Nhiều khi nhà khoa học buộc phải “vẽ” ra các công đoạn, “lách luật” nâng giá lên để khi bị cắt bớt vẫn đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện đề tài, hoặc phải chạy hóa đơn, chứng từ để được nghiệm thu. Thậm chí những điều này gây tâm lý chán nản cho các nhà khoa học, “bóp nghẹt” sức sáng tạo, khiến hiệu quả nghiên cứu không cao, gây lãng phí cho Nhà nước.

 

“Giải phóng” cho nhà khoa học

Hiểu được “tâm tư” của các nhà khoa học, cùng với nỗ lực đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu, Bộ KH&CN đã “cởi trói” cho giới làm khoa học bằng Thông tư 27 quy định về việc khoán chi nhiệm vụ KHCN.

 

Theo thông tư mới này, Nhà nước sẽ đặt hàng các nhiệm vụ KHCN bằng 1 trong 2 hình thức: Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng với mức dự toán các khoản chi không quá 1 tỷ đồng hoặc khoán chi từng phần áp dụng đối với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Kinh phí thực hiện các đề tài sẽ do đơn vị nghiên cứu tự hạch toán, đề xuất, nhà quản lý chỉ quan tâm đến chất lượng đầu ra sản phẩm có đạt như yêu cầu không, mà bỏ qua các thủ tục về chứng từ, hóa đơn để nhà khoa học toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu.

 

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: Quy định mới sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học không phải “đau đầu” lo các thủ tục phức tạp như trước kia, mà khi nộp kết quả cuối cùng nếu đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của đề tài, thì toàn bộ quá trình thanh quyết toán, hóa đơn chứng từ sẽ không cần thiết nữa. Việc siết chặt kết quả đầu ra sản phẩm sẽ tăng hiệu quả của nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho KHCN.

 

“Các nhà nghiên cứu rất kỳ vọng Thông tư 27 sẽ là tiền đề phát huy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo. Đặc biệt, việc thực hiện khoán chi nhiệm vụ KHCN cũng sẽ tác động đến phương thức tổ chức, quản lý của các tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn”, ông Đoàn Đình Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu đánh giá.

 

Để Thông tư 27 được triển khai hiệu quả, Bộ KH&CN đã làm việc với Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước để thống nhất về việc rút gọn các thủ tục thanh toán kinh phí, tạm ứng kinh phí chỉ căn cứ vào bảng kê khối lượng công việc chứ không phải kiểm soát chứng từ, hóa đơn chi tiết như trước kia. Bên cạnh đó, nhằm kịp thời đáp ứng kinh phí nghiên cứu cho các nhiệm vụ KHCN, theo ông Hoàng Minh Thức, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp: Bộ KH&CN cũng quy định việc thanh quyết toán sẽ được tiến hành theo từng hợp phần của hợp đồng và thanh toán ngay khi đã hoàn thành sản phẩm mà không phải đợi đến đợt quyết toán kinh phí hàng năm như trước kia.

 

Cũng theo ông Thức, Bộ KH&CN đang tiến hành xét duyệt, lựa chọn các đề tài, dự án nghiên cứu để tiến hành đặt hàng các đơn vị nghiên cứu theo hình thức khoán chi mới. Bên cạnh đó Bộ cũng làm vai trò “cầu nối” để nhận các đơn đặt hàng KHCN từ các doanh nghiệp và đặt hàng các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu. Điều này sẽ tạo cơ hội giải quyết vấn đề khó khăn trong tìm đề tài nghiên cứu và tăng tính ứng dụng thực tiễn cho sản phẩm sau nghiên cứu.

 

Tuy nhiên, với việc quyết toán kinh phí đơn giản hơn khi các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu được tự hạch toán chi phí thực hiện sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhận tiền nhưng triển khai không hiệu quả gây lãng phí ngân sách. Để hạn chế tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, nếu đã nhận nhiệm vụ mà không hoàn thành sản phẩm như đã cam kết, nhà khoa học phải hoàn lại từ 40 - 100% số tiền mà Nhà nước đã đầu tư. Điều này sẽ tăng cường trách nhiệm của các nhà khoa học khi thực hiện các nhiệm vụ KHCN.

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 5854

Về trang trước Về đầu trang