Tin KHCN trong nước
Tăng đầu tư cho KH&CN để đạt hiệu quả cao nhất (22/02/2016)
-   +   A-   A+   In  

Những năm qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) nước ta đã có nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng suất lao động. KH&CN trở thành chính sách cốt lõi để phát triển kinh tế tri thức, thực sự là động lực then chốt của sự phát triển nhanh và bền vững. Đầu tư cho KH&CN đã mang lại hiệu quả cao.

Sử dụng hiệu quả ngân sách

Trong giai đoạn 2001-2015, chi ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN cơ bản đảm bảo được mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5 – 0,6 GDP). Như vậy, hiện nay ở Việt Nam kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm tới 65%-70% tổng mức đầu tư toàn xã hội cho hoạt động KH&CN. Điều này trái ngược với các nước có nền KH&CN phát triển, đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước chiếm đa số. Ví dụ tại Hàn Quốc, đầu tư của nhà nước chỉ chiếm 1/10 đầu tư của tư nhân cho KH&CN.

 

Tuy vậy, trong thời gian qua, KH&CN nước nhà đã có nhiều kết quả nổi bật, đóng góp hiệu quả vào việc cung cấp luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định các chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

 

Bên cạnh đó, đã hình thành được hệ thống luật pháp tạo nền tảng pháp lý cho KH&CN một cách tương đối đồng bộ và toàn diện theo hướng hội nhập quốc tế và tiệm cận với nền kinh tế thị trường. Cho đến nay có 10 đạo luật quan trọng về KH&CN đã được Quốc hội ban hành từ luật cơ bản nhất như Luật KH&CN cho đến luật chuyên ngành như Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Công nghệ cao.

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: Trong 5 năm qua, các sản phẩm KH&CN đã có được những con số ấn tượng, nhiều sản phẩm tốt như: Thiết kế, chế tạo cung cấp thiết bị cơ khí thuỷ công cho khoảng 20 dự án thủy điện với tỷ lệ nội địa hóa trên 90%; chế tạo giàn khoan dầu khí tổng khối lượng là 18.000 tấn, có thể hoạt động ở độ sâu nước biển 120m và khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9 km; thiết kế, chế tạo thành công Máy biến áp điện lực 3 pha 500 kV MVA, là thiết bị cỡ lớn, chủ lực của hệ thống truyền tải điện quốc gia với chất lượng tương đương sản phẩm của châu Âu; nghiên cứu, sản xuất thành công vắc-xin Rota, là thành tựu to lớn của ngành y học, ghi danh Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới tự sản xuất được vắc-xin Rota.

 

“Những người làm KH&CN ở Việt Nam thực sự đã vượt qua chính mình khi mà điều kiện nghiên cứu còn nghèo nàn, đời sống còn khó khăn. Năm 2015, theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam tăng 19 bậc trên Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng thứ 52 trên tổng số 141 nền kinh tế, đứng trong TOP 3 khu vực Đông Nam Á”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

 

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, hiệu quả sử dụng sử dụng ngân sách nhà nước cho KH&CN cũng có thể được nhìn nhận thông qua đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tổng sản phẩm quốc dân (GDP).

 

Theo kết quả tính toán ban đầu của Viện Năng suất Việt Nam, với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Cơ quan Năng suất Malaysia, và Đại học Keio Nhật Bản, KH&CN là yếu tố chủ đạo chiếm khoảng 65-70% trong tăng TFP. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính theo đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thì năm 2014, TFP đã đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng GDP. Như vậy, đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN, mà trong đó ngân sách nhà nước đang chiếm phần lớn, đã góp phần đóng góp rất lớn cho tăng trưởng GDP thông qua yếu tố năng suất tổng hợp TFP.

 

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để KH&CN đi vào đời sống không chỉ cần sự nỗ lực của ngành KH&CN mà cần sự chung tay, góp sức của cả xã hội. KH&CN cần phải được đầu tư tới ngưỡng, phải đúng về mục đích, thời điểm và đối tượng áp dụng.

 

Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ, những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến KH&CN. Đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của những người làm khoa học. Nhưng ngược lại, Bộ KH&CN cũng rất kì vọng lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như mọi người dân hãy quan tâm đến KH&CN nhiều hơn nữa, chia sẻ với những khó khăn của ngành KH&CN trong bối cảnh mức đầu tư thấp mà phải cạnh tranh quốc tế rất quyết liệt.

 

Đặc biệt, cần kiên quyết thực hiện tự chủ trong nghiên cứu KH&CN. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, thể chế liên quan, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia, đầu tư phát triển KH&CN... để KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu.

 

Nhận thức rõ, hiện nay, tiềm lực và trình độ KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN còn chưa đủ mạnh để tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm KH&CN có chất lượng, để có thể thương mại hoá, đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp. Thêm vào đó, sự gắn kết giữa viện, trường và doanh nghiệp còn yếu dẫn đến các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn độc lập, chưa bám sát thực tiễn, chưa xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Đầu tư cho hoạt động KH&CN còn hạn chế, thiếu nguồn lực để triển khai các khâu nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN vào ứng dụng thực tiễn.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, để tháo gỡ triệt để vướng mắc nêu trên, giải pháp quan trọng đặt ra là tiếp tục nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia. Triển khai các biện pháp huy động nguồn lực xã hội trong nước và nguồn vốn nước ngoài nhằm gia tăng đầu tư cho KH&CN thông qua việc thực thi cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ cho hoạt động KH&CN, hình thành và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống quỹ phát triển KH&CN của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh các nhiệm vụ nghiên cứu theo Nghị định thư và Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương, đa phương và khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, công nghệ cao.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư phát triển các tổ chức KH&CN, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu cho một số tổ chức KH&CN đạt trình độ khu vực và thế giới; xây dựng một số tổ chức KH&CN theo mô hình tiên tiến của thế giới như Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST). Bên cạnh việc hoàn thành việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu và phát triển có vốn đầu tư nước ngoài và thành lập chi nhánh của các viện nghiên cứu có uy tín của nước ngoài ở Việt Nam.

 

Thực thi hiệu quả chính sách thu hút và trọng dụng cán bộ KH&CN, đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ KH&CN theo hướng giao quyền tự chủ cao cho thủ trưởng tổ chức KH&CN, đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn vinh các cá nhân, tổ chức có kết quả KH&CN xuất sắc. Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KH&CN nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng cho các hoạt động KH&CN.

 

Nhà nước tận dụng “khí thế đang lên”, đầu tư hiệu quả vào KH&CN thì tin rằng, sẽ tạo thành hiệu ứng cộng hưởng, giúp Việt Nam phát triển công nghệ cao, làm đầu tàu phát triển kinh tế, thay thế cho sự phụ thuộc chủ yếu vào khoáng sản, nguyên liệu thô, lao động giá rẻ như bây giờ.

 

Kì vọng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội thì KH&CN của Việt Nam sẽ phát triển và có thể sánh vai với các cường quốc năm châu không chỉ bằng tiềm lực kinh tế, mà còn bằng tiềm lực KH&CN của một nước công nghiệp hóa. Tới thời điểm này chúng ta đã có nhiều sản phẩm có thể sánh vai được với thế giới, nhưng số lượng của nó còn rất khiêm tốn so với yêu cầu và tiềm năng.

 

Trong tương lai chúng ta phải phát triển đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu, có các viện nghiên cứu đạt trình độ quốc tế và có nguồn đầu tư xã hội đủ lớn, có chính sách hợp lý để những người làm khoa học có thể sống bằng chất xám của mình. Trên hết, KH&CN phải đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức cũng như trong một quốc gia công nghiệp hóa.

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 3060

Về trang trước Về đầu trang