Tin KHCN trong nước
Nhiều điểm mới trong khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (19/02/2016)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 30.12.2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (Thông tư 27). Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15.2.2016, thay thế Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN ngày 4.10.2006 của liên Bộ Tài chính và KH&CN hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH&CN (Thông tư 93). Thông tư 27 đã quy định chế độ khoán chi theo tinh thần đổi mới cơ chế tài chính cho KH&CN.

Đổi mới phương thức khoán chi

 

Các nhiệm vụ KH&CN được thực hiện theo hai hình thức khoán: khoán chi từng phần, hoặc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Nếu như tại Thông tư 93, các nhiệm vụ KH&CN chỉ được khoán chi một phần (thuê khoán chuyên môn, chi khác, chi nguyên nhiên vật liệu có định mức kinh tế - kỹ thuật) thì tại Thông tư 27, các nhiệm vụ KH&CN có thể được khoán chi tới sản phẩm cuối cùng, nghĩa là thực hiện khoán chi toàn bộ kinh phí thực hiện nhiệm vụ (cả các nội dung mua sắm trang thiết bị khoa học, nguyên, nhiên, vật liệu dành cho nghiên cứu, đoàn ra).

 

Tùy thuộc vào từng nhiệm vụ, trên cơ sở đánh giá, tư vấn của hội đồng khoa học, cơ quan quản lý sẽ xem xét, xác định hình thức thực hiện khoán chi. Để được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, nhiệm vụ cần thỏa mãn đồng thời 5 điều kiện: (1) Nhiệm vụ được tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ thuyết minh và đề xuất thực hiện phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; (2) Sản phẩm KH&CN của nhiệm vụ đã được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng; (3) Nhiệm vụ có tổng dự toán nguồn ngân sách nhà nước đối với các nội dung mua sắm, sửa chữa, đoàn ra chiếm không quá 15% tổng dự toán nguồn ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ và không quá một tỷ đồng; (4) Được Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ xem xét và đề xuất khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; (5) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí.

 

Khi đã nhận thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, nhiệm vụ sẽ không được điều chỉnh phương thức khoán trong quá trình triển khai thực hiện; không được điều chỉnh tổng mức kinh phí được giao khoán; không được điều chỉnh tên, mục tiêu và sản phẩm cuối cùng của nhiệm vụ.

 

alt

Tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ được quyền chủ động

trong sử dụng kinh phí khoán

 

Các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần. Các phần công việc khoán chi, phần công việc không khoán chi được xác định trên cơ sở thuyết minh của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ. Trong phương thức khoán chi từng phần, chi mua sắm, sửa chữa, chi đoàn ra, chi mua nguyên nhiên vật liệu chưa có định mức kinh tế kỹ thuật sẽ không được giao khoán.

 

Giao quyền chủ động cho tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ trong sử dụng kinh phí khoán

 

Chủ nhiệm nhiệm vụ chủ động xây dựng phương án triển khai các nội dung công việc được giao khoán, trong đó được quyền điều chỉnh mục chi, nội dung chi, định mức chi, kinh phí giữa các phần công việc được giao khoán (đảm bảo trong phạm vi tổng mức kinh phí được giao khoán, phù hợp với quy định chi tiêu của các nhiệm vụ tại Quy chế chi tiêu nội bộ của tổ chức chủ trì), trình thủ trưởng tổ chức chủ trì phê duyệt trước khi triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, phù hợp với các vấn đề phát sinh trong thực tế triển khai nhiệm vụ.

 

Kinh phí tiền công lao động trực tiếp cho các cá nhân thực hiện nhiệm vụ thuộc tổ chức chủ trì được chuyển vào quỹ tiền lương, tiền công của tổ chức chủ trì và được chi theo phương án đã được thủ trưởng tổ chức chủ trì phê duyệt. Kinh phí chi quản lý chung nhiệm vụ được coi là nguồn thu của tổ chức chủ trì nhiệm vụ để bổ sung kinh phí phục vụ quá trình quản lý và thực hiện các nhiệm vụ.

 

Tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ tự quyết định việc mua sắm đối với nội dung mua sắm được giao khoán và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đồng thời phải đảm bảo chế độ hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

 

Sử dụng kinh phí tiết kiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ

 

Kinh phí tiết kiệm được từ kinh phí được giao khoán được hạch toán là nguồn thu khác của tổ chức chủ trì và thủ trưởng tổ chức chủ trì quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm theo Quy chế chi tiêu nội bộ của tổ chức chủ trì.

Kinh phí tiết kiệm được từ kinh phí không được giao khoán thực hiện sẽ được trích nộp các Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của tổ chức chủ trì, Quỹ phát triển KH&CN của cơ quan phê duyệt nhiệm vụ để tiếp tục phát triển công tác nghiên cứu khoa học của các đơn vị.

 

Đơn giản hóa các thủ tục thanh toán kinh phí

 

Theo quy định kiểm soát chi hiện hành đối với ngân sách sự nghiệp, kho bạc nhà nước nơi giao dịch sẽ thực hiện kiểm soát chi căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ chi tiêu. Tuy nhiên, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong thanh quyết toán kinh phí khoa học, tại Thông tư số 27, Liên Bộ đã quy định đơn giản hóa thủ tục thanh toán theo hướng kho bạc nhà nước chỉ thực hiện kiểm soát chi theo bảng kê khối lượng công việc đã thực hiện thay cho việc kiểm soát trên các hóa đơn, chứng từ chi tiết. Bảng kê khối lượng công việc đã thực hiện do tổ chức chủ trì lập căn cứ vào thực tế khối lượng công việc đã triển khai thực hiện và được đơn vị quản lý kinh phí xác nhận.

Trên thực tế, quy định trên cũng đã được Bộ Tài chính và Bộ KH&CN thống nhất thực hiện ở quy mô nhỏ, khi triển khai các Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia, Chương trình KH&CN quốc gia (như Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao...) và đạt được kết quả tích cực, tạo sự đồng thuận cao của các tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ.

 

Đổi mới trong quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN

 

Nếu theo quy định trước đây, nhiệm vụ KH&CN phải quyết toán theo niên độ ngân sách, thì theo quy định tại Thông tư 27, nhiệm vụ KH&CN được quyết toán một lần sau khi được hoàn thành và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng theo phương thức quyết toán tổng hợp các nội dung được khoán chi và các nội dung không được khoán chi.

 

Đối với nhiệm vụ KH&CN thực hiện trong nhiều năm, tổ chức chủ trì có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo đơn vị quản lý kinh phí về số kinh phí thực nhận và thực chi trong năm để đơn vị quản lý kinh phí tổng hợp số kinh phí thực nhận, thực chi của nhiệm vụ vào quyết toán của đơn vị theo niên độ ngân sách. Cuối năm, số dư dự toán, số dư tạm ứng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục thực hiện.

 

Chế tài xử lý đối với các nhiệm vụ không hoàn thành

 

Ngoài chế tài về xử lý kinh phí đã được nêu cụ thể tại Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, Thông tư còn quy định chế tài về quyền được tham gia các nhiệm vụ KH&CN tiếp theo.

 

Tổ chức chủ trì chưa thực hiện hoàn trả ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ thì không được quyền tham gia tuyển chọn, xét giao trực tiếp nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước.

 

alt

Theo quy định mới, nhiệm vụ KH&CN được quyết toán một lần

sau khi được hoàn thành

 

Chủ nhiệm nhiệm vụ, các thành viên thực hiện chính và thư ký khoa học tham gia thực hiện nhiệm vụ mà tổ chức chủ trì chưa hoàn trả đầy đủ kinh phí cho ngân sách nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì không được quyền tham gia tuyển chọn, xét giao trực tiếp nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước.

Chế tài này sẽ góp phần thúc đẩy tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được Nhà nước đặt hàng, tránh do các lỗi chủ quan dẫn đến nhiệm vụ không hoàn thành và phải nộp trả kinh phí cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của tổ chức chủ trì và những người trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

 

Thông tư 27 đã góp phần cụ thể hóa việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN thông qua các quy định về phương thức khoán chi, trao quyền chủ động cho chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì trong việc sử dụng kinh phí, đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán kinh phí. Cùng với tiến trình đổi mới từ khâu xác định, tuyển chọn, xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN; đổi mới cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN quy định tại Thông tư 27 sẽ đóng góp tích cực đưa Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế và Luật KH&CN năm 2013 vào cuộc sống.

Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Số lượt đọc: 5835

Về trang trước Về đầu trang