Tin KHCN trong nước
Những khó khăn trong thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ (06/01/2016)
-   +   A-   A+   In  

Việc phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) được khẳng định là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 của Đảng và Nhà nước. Theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, sẽ hình thành 5000 doanh nghiệp KH&CN. Với tiềm lực của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực KH&CN hiện nay, mục tiêu này là hoàn toàn có khả năng đạt được. Tính đến tháng 11/2015, cả nước có 204 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KHCN và còn nhiều hồ sơ đang trong quá trình xử lý, họp hội đồng và hoàn thiện hồ sơ.

Trong quá trình thương mại hóa sản phẩm để hình thành và phát triển doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp KHCN gặp không ít khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Kết quả là mặc dù một số doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN nhưng cho đến nay vẫn chưa có doanh thu từ sản phẩm KHCN để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Cụ thể:

 

- Vấn đề công nhận sản phẩm mới:

 

Pháp luật quy định một số ngành nghề kinh doanh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá và cấp phép mới được lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, sản phẩm KH&CN luôn đổi mới, sáng tạo, nhiều sản phẩm mới chưa có những quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về chất lượng. Việc thiếu các quy định về đánh giá, công nhận sản phẩm mới khiến cho các kết quả KH&CN mới chậm trễ trong việc đưa ra thị trường, đến khi có quy định điều chỉnh thì tính cạnh tranh của sản phẩm cũng giảm. Dẫn đến tình trạng hoặc là doanh nghiệp sẽ không được kinh doanh sản phẩm mới hoặc phải vi phạm pháp luật để kinh doanh những sản phẩm mới trước khi luật cho phép kinh doanh. Trường hợp Công ty Cổ phần công nghệ Việt Séc là một minh chứng điển hình. Công ty là một trong hai doanh nghiệp KHCN của Bà Rịa – Vũng Tàu, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tàu thuyền và phương tiện nổi.Với kết quả KHCN là sản xuất cano, tàu thuyền, công trình nổi bằng vật liệu mới PPC, công ty được cấp GCN Doanh nghiệp KHCN và được trao tặng nhiều giải thưởng về KHCN. Tuy nhiên, sản phẩm của công ty lại không có khả năng triển khai thương mại hóa do chưa được cấp đăng kiểm (nguyên nhân do chưa có quy phạm điều chỉnh đối với công nghệ vật liệu mới PPC).

 

- Tâm lý e ngại từ người tiêu dùng:

 

Sản phẩm mới thường khó tiếp cận thị trường do tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, tâm lý tiêu dùng hàng ngoại phổ biến không chỉ trong bộ phận dân cư mà ngay đến các cơ quan quản lý nhà nước. Các sản phẩm KH&CN được tạo ra trong nước dù chất lượng tương đương, giá thành rẻ hơn cũng khó cạnh tranh với các thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài đã có kinh nghiệm và thâm niên. Các sản phẩm KHCN của các doanh nghiệp KH&CN không được ưu tiên trong việc xét thầu, lựa chọn từ các dự án đầu tư hoặc dự án mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước dù đáp ứng chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn so với sản phẩm của các hãng nước ngoài. Việc yêu cầu kinh nghiệm hoạt động trên thương trường đối với những doanh nghiệp KH&CN mới thành lập cũng khiến các doanh nghiệp này khó tiếp cận các dự án đấu thầu trong nước.

 

Rất nhiều các sản phẩm KHCN mới được tạo ra trong nước, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá cao, trao tặng các giải thưởng KHCN nhưng lại không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại do sự e ngại của người tiêu dùng, công tác truyền thông đến công chúng hạn chế do thiếu kinh phí. Điển hình trường hợp dòng sản phẩm từ cây trinh nữ hoàng cung của Công ty Thiên Dược (Bình Dương), sản phẩm lò đốt rác thải y tế công nghệ cao của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long (Bắc Kạn),…

 

- Công nghệ mới, giá thành cao:

 

Nhiều sản phẩm KH&CN có đối tượng hướng tới là những người dân có thu nhập thấp (chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp) nên cũng khó thương mại hóa. Sản phẩm thuyền phao cứu sinh của Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư Năm Sao (được cấp bằng bảo hộ sáng chế) có đối tượng hướng tới là ngư dân các tỉnh ven biển, mặc dù được UBND các tỉnh và ngư dân đón nhận nhưng lại không có khả năng sản xuất hàng loạt do giá thành sản phẩm cao hơn so với phương tiện thuyền thúng truyền thống, ngư dân không có khả năng tiếp cận.

 

- Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ:

 

Vấn đề xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: thủ tục phức tạp và vấn đề bồi thường vật chất chưa có tác dụng đáng kể do đó có nhiều doanh nghiệp bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng chưa có biện pháp hữu hiệu nào để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Điều này gây tổn hại đến tài sản, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp KH&CN.

 

- Mở rộng thị trường ra nước ngoài:

 

Quy định pháp lý để đưa sản phẩm xuất khẩu chưa hoàn thiện (trong nước chưa có tiêu chuẩn quy định, chưa phù hợp tiêu chuẩn nước ngoài,…). Những sản phẩm KHCN mới, chưa có tiêu chuẩn trong nước quy định, gặp khó khăn khi xuất khẩu dù đã có những đối tác nước ngoài sẵn sàng hợp tác.

 

Giải pháp thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm KH&CN của doanh nghiệp KHCN:

 

Giải pháp trước hết đó là hoàn thiện môi trường pháp lý kinh doanh đảm bảo nguyên tắc tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và có ưu tiên đối với những sản phẩm mới của doanh nghiệp Việt. Cụ thể:

 

- Hoàn thiện quy định pháp luật về việc gia nhập thị trường:

 

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, cập nhật hệ thống tiêu chuẩn kiểm định lưu hành sản phẩm thì nên chấp nhận hệ thống tiêu chuẩn quốc tế phổ biến, để sản phẩm KHCN mới được sản xuất và lưu hành. Cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu công nghệ cũ của nước ngoài, hướng dẫn doanh nghiệp KH&CN đăng ký và công bố tiêu chuẩn được phép lưu hành.

 

- Bổ sung các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp KHCN, chú trọng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp KHCN.

 

- Hỗ trợ đầu tư, thương mại hóa các sản phẩm KHCN có đối tượng hướng tới là những người có thu nhập thấp, công nghệ ứng dụng tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

 

- Tăng cường vai trò của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như các vườn ươm doanh nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các phương án kinh doanh, tiếp cận các nguồn thông tin để kết nối cung – cầu, thương mại hóa sản phẩm; khuyến khích liên kết viện, trường, doanh nghiệp sản xuất, thương mại để hình thành các cụm liên kết.

 

- Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hình thành chuỗi giá trị hàng hóa các sản phẩm sáng tạo trong nước, để kết nối các doanh nghiệp sáng tạo và hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm KHCN.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 5351

Về trang trước Về đầu trang