Tin KHCN trong tỉnh
Giải pháp của Busadco: Hy vọng mới về chống xói lở bờ biển (05/01/2016)
-   +   A-   A+   In  

Thời gian qua, dù Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động chống xói lở bờ biển nhưng chưa thu được kết quả khả quan. Vì vậy, việc áp dụng hiệu quả cấu kiện bảo vệ bờ sông, bờ hồ và đê biển của Công ty Thoát nước và phát triển đô thị BR-VT (Busadco) đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Sản phẩm công nghệ này đã được bình chọn là một trong mười sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2015.

NHIỀU GIẢI PHÁP CŨ ĐÃ THẤT BẠI

Theo Bộ TNMT, tình trạng xói lở bờ biển ở Việt Nam đang diễn ra vô cùng phức tạp. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tất cả các tỉnh, thành ven biển hiện bị xói lở bình quân 15-30 mét/năm... Tại miền Trung, các bãi biển ở Cửa Đại, Hội An, Phú Yên, Quảng Trị đang sạt lở nghiêm trọng. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng cũng tương tự, nhất là ở Cà Mau, có nơi mỗi năm biển ăn sâu đất liền từ 100-200 mét. Trong đó, phần lớn diện tích rừng ven biển của huyện U Minh đã bị sóng biển cuốn trôi.

Tại BR-VT, theo thống kê của Sở KHCN, từ mũi Nghinh Phong (TP.Vũng Tàu) đến xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) có 6 khu vực bị xói lở mạnh (bãi Thuỳ Vân, Paradise, Cửa Lấp, Lộc An, Hồ Tràm và Bình Châu). Mùa gió chướng có những con sóng lớn đánh vào bờ gây sạt lở cho cả vùng bờ dài khoảng 20km trong tổng số hơn 100km đường bờ biển của tỉnh. “Nếu không có biện pháp ngăn chặn hiện tượng xói lở, tuyến đường ven biển từ TP. Vũng Tàu đi Xuyên Mộc sẽ có thể bị phá hủy. Những công trình dân sinh bên trong như cảng cá, cơ sở sản xuất, nhà dân, các dự án du lịch nằm dọc dải bờ biển cũng đứng trước nguy cơ bị “tuột” xuống biển”, Sở KHCN đưa ra cảnh báo.

Hàng năm, Việt Nam đã phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình chống xói lở. Tuy nhiên, các công trình này chủ yếu dựa vào giải pháp truyền thống, thiên về các loại kè lát mái, kè mỏ hàn bằng đá hộc, đá xây, tấm bê tông đơn giản hoặc hiện đại hơn là công nghệ mềm Stabiplage... Tuy nhiên, các phương pháp chống xói lở này dù chi phí khá cao nhưng lại không bảo đảm hiệu quả chống xói lở. Hơn nữa, việc xây dựng các công trình nói trên trong môi trường thủy triều thường khó bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, nhiều loại kết cấu liên tục bị phá vỡ...

Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” được xây dựng chống xói lở bờ biển tại Thái Bình

BƯỚC ĐỘT PHÁ TỪ BUSADCO

Trong bối cảnh công nghệ chống xói lở bờ biển không đáp ứng yêu cầu, việc ứng dụng thành công “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của Busadco tại một số tỉnh, thành ngay lập tức đã tạo nên tiếng vang lớn. Sản phẩm do Tiến sĩ Hoàng Ðức Thảo, Tổng Giám đốc Busadco cùng các cộng sự nghiên cứu, sản xuất. Sản phẩm sử dụng cấu kiện bê tông thành mỏng ruột rỗng, kết cấu không dùng thép, liên kết kiểu lắp ghép, bố cục hình khối, kiểu dáng đa dạng, đa kích cỡ. Giải pháp này được thiết kế mở, thi công dễ dàng trong điều kiện bùn nước và chi phí giảm khoảng 20-30% so với kết cấu truyền thống và các phương pháp khác.

Giữa năm 2015, Busadco đã ứng dụng sản phẩm cho công trình xây dựng kè biển Tiền Hải - Thái Bình có chiều dài 4km. Khi hoàn thành, công trình được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng) nhận xét là bền vững hơn hẳn các công trình kè biển khác. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết: Công trình không chỉ ngăn chặn hiệu quả xói lở ven bờ mà còn giúp lấn biển gần một cây số.

Từ thành công của công trình, Busadco tiếp tục được triển khai Dự án nắn 4,7km tại tuyến đê biển tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Dự kiến công trình sẽ được triển khai vào năm 2016.

Busadco cũng đang sử dụng công nghệ mới này tại các dự án trọng điểm ở TP. Hồ Chí Minh như: Dự án điều chỉnh hệ thống thủy lợi bờ ven sông Sài Gòn; Dự án xây dựng, nâng cấp đê biển Cần Giờ... Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập úng TP. Hồ Chí Minh cho biết: Cấu kiện kè lắp ghép bảo vệ bờ và đê biển của Busadco là một sự đột phá trong sáng tạo chống xói lở.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Hoàng Văn Thắng và các nhà khoa học, sản phẩm của Busadco đã khắc phục được hầu hết điểm yếu của các giải pháp truyền thống cho công trình kè, tường chắn bảo vệ bờ và biển ở nước ta. Đặc biệt, tính ưu việt của giải pháp này là tận dụng được vật liệu cát đắp sẵn có ở các bãi biển. Thêm vào đó, chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng kiểm tra trong quá trình sử dụng để phát hiện các sự cố có thể xảy ra nhằm kịp thời sửa chữa như lún sụt, bơm bù cát vào thân kè nếu cát bị chảy đi.

Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Đình Phụng, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, giải pháp của Busadco có khả năng chống sạt lở, xói mòn, chống ăn mòn, chống xâm thực cao hơn và bền vững hơn. Do đặc tính mỏng và nhẹ nên có khả năng đúc sẵn, lắp ghép đơn giản và chi phí thấp, rất phù hợp với công cuộc chống xói lở tại Việt Nam.

 

Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông hồ và đê biển sử dụng công nghệ vật liệu bê tông thành mỏng, kích thước và đặc tính kỹ thuật có thể thay đổi tùy thuộc vào địa hình, địa chất  và yêu cầu sử dụng. Phần thân là bộ phận chịu lực chính của cấu kiện, các mặt hông và trên đỉnh phần thân có bố trí các lỗ tiêu sóng theo nhiều hình dạng khác nhau. Các lỗ này cũng là lỗ tiêu áp, thoát khí đảm bảo chống lật, chống đẩy nối cấu kiện trong trường hợp ngập úng. Dưới phần thân có phần chân ngàm giúp níu giữ cấu kiện. Các cấu kiện được liên kết với nhau bằng các mối nối như: mối nối ngàm âm dương, miệng loe, mối nối ngạnh...

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
 
Sản phẩm “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của Busadco đã được Bộ KH&CN cho phép lập Tiêu chuẩn quốc gia; Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích; Bộ Xây dựng cấp Giấy chứng nhận công nghệ và giải pháp phù hợp; Tổng cục Thủy lợi cho áp dụng trên phạm vi cả nước trong các công trình bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển. Căn cứ vào tính hiệu quả của sản phẩm, Tổng cục Thủy lợi cũng đã có quyết định công nhận sản phẩm là tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Cuối năm 2015, giải pháp công nghệ này đã được bình chọn là một trong mười sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2015. Hội đồng KH&CN (Bộ KH&CN) cũng đã đề nghị Bộ KH&CN xem xét đưa công nghệ này tham gia chương trình biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn/

Số lượt đọc: 6319

Về trang trước Về đầu trang