Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN
Nghiệm thu đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tỉnh BR-VT giai đoạn 2001-2012” (04/12/2015)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 1/12, Sở KH&CN tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tỉnh BR-VT giai đoạn 2001-2012”, do CN. Phạm Ngọc Vũ (Sở KH&CN) làm chủ nhiệm và TS.Trần Tinh Huy là thành viên tham gia chính.

Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu của đề tài là điều tra khảo sát toàn bộ 151 đề tài, dự án cấp tỉnh đã triển khai thực hiện giai đoạn 2001-2012 trên các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Khoa học nông nghiệp, Khoa học y - dược, Khoa học xã hội và Khoa học nhân văn; Đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án của tỉnh triển khai giai đoạn 2001-2012 đã được nghiệm thu, áp dụng vào thực tiễn; Đề xuất các giải pháp nhằm góp phần đưa kết quả nghiên cứu của các đề tài NCKH&PTKHCN của tỉnh áp dụng thực tế vào sản xuất và đời sống.

 

Theo nhóm nghiên cứu, trong giai đoạn này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai thực hiện 151 đề tài, dự án cấp tỉnh trên các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên có 22 đề tài, dự án, chiếm 14,57%; Khoa học kỹ thuật và công nghệ có 35 đề tài, dự án, chiếm 23,18%; Khoa học nông nghiệp có 47 đề tài, dự án, chiếm tỷ lệ cao nhất là 31,13%; Khoa học y, dược có 14 đề tài, chiếm 9,27%; Khoa học xã hội có 29 đề tài, chiếm 19,21%; Khoa học nhân văn có 4 đề tài, chiếm tỷ lệ 2,65%.

 

Về kết quả nghiệm thu, tính đến tháng 10/2014 kết quả đánh giá có 100% đề tài, dự án đạt trung bình trở lên, với 17 đề tài, dự án đạt loại xuất sắc, chiếm 12,59%; 102 đề tài, dự án đạt loại khá, chiếm 75,56% còn lại 16 đề tài, dự án đạt loại trung bình, chiếm 11,85% tổng số đề tài, dự án đã được nghiệm thu. Theo loại hình nghiên cứu, loại hình triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm có số lượng dự án đạt loại xuất sắc chiếm tỷ lệ cao nhất là 19,23% với 5/26 dự án, tiếp đến là nghiên cứu ứng dụng chiếm tỷ lệ 12,31% với 8/65 đề tài, còn lại là nghiên cứu cơ bản chiếm 9,09% với 4/44 đề tài. Theo lĩnh vực nghiên cứu, lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ có số đề tài, dự án đạt loại xuất sắc chiếm tỷ lệ cao nhất là 20% với 7/35 đề tài, dự án; tiếp theo là lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 14,29% với 5/35 đề tài, dự án; còn lại là khoa học tự nhiên có 3/22 đề tài, dự án, y dược 1/13 đề tài dự án, khoa học xã hội có 1/27 đề tài. Riêng lĩnh vực khoa học nhân văn, giai đoạn này chỉ triển khai có 04 đề tài và đã nghiệm thu 03 đề tài, trong đó 01 đề tài đạt loại khá, 02 đạt loại trung bình, không có đề tài nào đạt loại xuất sắc.

Giai đoạn này, bám sát các chương trình KH&CN được UBND tỉnh phê duyệt, hàng năm, các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm nhằm đưa kết quả nghiên cứu hoặc các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn đã được triển khai thực hiện. Với việc đầu tư tài chính đã tập trung cho một số dự án triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm trọng điểm, toàn bộ kinh phí triển khai các dự án chiếm hơn một nửa kinh phí đầu tư cho các đề tài, dự án NCKH&PTCN cả giai đoạn. Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng đã đóng góp thiết thực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

 

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả NCKH&PTKHCN như: Một là, tại địa phương cần sớm cụ thể hoá các văn bản đổi mới cơ chế đầu tư tài chính và cơ chế xác nhận nhiệm vụ, tuyển chọn cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án và cơ chế quản lý các hoạt động NCKH&PTCN. Hai là, tăng cường đầu tư tiềm lực KH&CN cho các tổ chức hoạt động KH&CN của tỉnh (chú trọng phát triển nguồn nhân lực KH&CN), đảm bảo tiềm lực đủ mạnh thực hiện nhiệm vụ ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất và là cầu nối liên kết với các trung tâm nghiên cứu, các viện, trường đại học trong nước chuyển giao tiến bộ KH&CN. Ba là, cần ưu tiên lựa chọn các kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án cấp tỉnh có hiệu quả đưa vào triển khai, nhân rộng và các dự án chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nước có quy mô lớn, tầm ảnh hưởng và lan toả mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bốn là các ban ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa đến hoạt động KH&CN, chủ động đề xuất những vấn đề cần nghiên cứu, ứng dụng phục vụ thiết thực cho sự phát triển của ngành và đơn vị mình; có chính sách duy trì, phát triển kết quả nghiên cứu ứng dụng. Năm là, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Sáu là, sớm hình thành và đưa vào vận hành sàn giao dịch công nghệ trực tuyến tại địa phương, là nơi cung cấp, phát triển thông tin về nguồn cung, cầu công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu khoa học và sáng chế trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.

 

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao giá trị thực tiễn của đề tài, đồng ý nghiệm thu và xếp loại Khá.

Nguồn: Huyền Trang

Số lượt đọc: 5180

Về trang trước Về đầu trang