Tin KHCN trong nước
10 năm thực hiện chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (20/10/2015)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 16/10, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn 2006 - 2015 thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hòa bình đến năm 2020.

Mục tiêu của Hội nghị nhằm đánh giá kết quả giai đoạn 2006 - 2015 thực hiện Chiến lược và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện Chiến lược phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 -  2020.

 

Tham dự Hội nghị có trên 120 đại biểu bao gồm đại diện Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, các thành viên Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia, các nhà quản lý, các chuyên gia và nhà khoa học của các Bộ, ngành, địa phương; các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực NLNT.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: Trong giai đoạn vừa qua việc ứng dụng NLNT trong lĩnh vực kinh tế xã hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ Công thương và các bộ, ngành địa phương liên quan có phối hợp chặt chẽ và tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong chiến lược đã đạt được những kết quả, thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ như chuẩn bị cho phát triển điện hạt nhân.

 

Việc hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý, xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách cũng đã được triển khai khá đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời hoạt động hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh. Về nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, các cơ quan đơn vị thuộc các bộ, ngành địa phương đã thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp,đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh hợp tác quốc tế qua đó thu được nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn trên một số lĩnh vực ứng dụng đặc biệt là trong lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị, chọn tạo giống cây trồng bằng phương pháp đột biến, và ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân khác trong ngành công nghiệp,tài nguyên môi trường, một số kết quả được đánh giá cao không chỉ trong nước và quốc tế, được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) công nhận.

 

Về phát triển điện hạt nhân năm 2009 Bộ KH&CN, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội Bộ KH&CN, Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan cũng đã tích cực chuẩn bị cho việc triển khai xây dựng đảm bảo an toàn an ninh và hiệu quả.

 

Gần đây nhất năm 2014, chúng ta đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân đến năm 2020 nhằm phát triển đồng bộ toàn diện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia phù hợp với hướng dẫn của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu triển khai dự án. Tính đến nay hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận số 1 và số 2 cũng đã cơ bản được hoàn thành và gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục NLNT Hoàng Anh Tuấn đã nêu những kết quả nổi bật trong nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế giai đoạn 2006-2015. Theo đó trong lĩnh vực y tế hầu hết các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước đều có máy chụp X-quang thường quy.

 

Tại Hội nghị có trưng bày giới thiệu về các kết quả, sản phẩm ứng dụng NLNT trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế, khai thác tài nguyên khoáng sản,...  giai đoạn vừa qua.

 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã có tới trên 50 giống cây trồng được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến, bao gồm các giống lúa, đậu tương, bưởi… Việt Nam được IAEA đánh giá là nước đứng hàng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, được trao Giải thưởng thành tựu xuất sắc về đột biến tạo giống cho Viện Di truyền nông nghiệp và GS.TSKH. Trần Duy Quý và 2 giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống cho tập thể Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam và Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, và cho 2 cá nhân của Sở KH&CN Sóc Trăng (Hồ Công Cua và Trần Tấn Phương) đã đạt được các thành tích trong lĩnh vực đột biến tạo giống.

 

Trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo, thử nghiệm thành công các thiết bị đo trong ngành công nghiệp than, thiết bị phân tích nhanh trong ngành công nghiệp xi măng, máy chụp X quang công nghiệp, thiết bị quan trắc cảnh báo sớm phóng xạ môi trường,…;

 

Công nghệ bức xạ đã được ứng dụng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Việt Nam. Đi đầu là Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Công ty cổ phần chiếu xạ An Phú,...với doanh thu từ ứng dụng công nghệ bức xạ lên tới hàng trăm tỷ đồng hàng năm.

 

 Thứ trưởng Chu Ngọc Anh trao tặng bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Năng lượng nguyên tử, Cơ quan thường trực của Hội đồng, trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Chiến lược trong giai đoạn 2006-2015 và các báo cáo, tham luận của đại diện một số cơ quan, đơn vị.

 

Đồng thời, Bộ KH&CN đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho 8 tập thể và 5 cá nhân có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo trong lĩnh vực NLNT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2015.

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 7624

Về trang trước Về đầu trang