Mục tiêu của đề tài là thiết kế, chế tạo, lắp đặt 01 hệ thống sấy mực ống bằng công nghệ sấy chân không trên tàu khai thác hải sản xa bờ có năng suất 200kg/mẻ để nâng cao chất lượng và giá trị mực ống sấy khi khai thác xa bờ.
Theo thông tin từ chủ nhiệm đề tài, tính đến năm 2014, BR-VT là trung tâm nghề cá lớn của cả nước với số lượng tàu đánh bắt xa bờ có khoảng 2.698 chiếc, trong đó tàu lưới kéo là 1.879 chiếc (chiếm 69,6%) tiếp đến là lưới rê (16%), lưới vây (6,9%), câu mực và chụp mực (4,2%), bẫy ghẹ (2%) và tàu thu mua (1,2%). Sản lượng mực ống được khai thác chủ yếu bằng nghề lưới kéo, câu mực, chụp mực và lưới vây. Trong thực tế sản xuất tại địa phương, các nghề câu mực, chụp mực và lưới vây thường có sản lượng mực ống chiếm tỷ lệ thấp và bảo quản bằng phương pháp đá lạnh. Đối với nghề lưới kéo tuy sản lượng mực ống khai thác chiếm tỷ lệ cao và mực ống khô được sấy chủ yếu bằng phơi nắng tự nhiên và sấy không khí nóng của nhiệt ống khói. Hiện nay, giá mực ống khô trên các tàu lưới kéo tỉnh BR-VT chỉ đạt loại lớn là 300.000đ/kg và loại nhỏ 100.000đ/kg thấp hơn 1,8 lần so với các tỉnh khác trong khu vực Đông Nam Bộ. Phương pháp sấy khô sản phẩm mực ống trên tàu lưới kéo khai thác hải sản xa bờ của tỉnh hiện nay sử dụng kết hợp phơi nắng và tận dụng nguồn nhiệt từ máy chính để sấy khô sản phẩm mực ống có nhiều hạn chế sản phẩm mực ống khô hiện nay thường bị nấm mốc, hư hại; mùa mưa độ ẩm không khí cao nên khó khăn trong quá trình phơi khô hoặc sấy khô bằng nhiệt… Vì vậy, đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt hệ thống sấy mực bằng công nghệ sấy chân không trên tàu khai thác hải sản xa bờ công suất 200kg/mẻ” nhằm thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống thiết bị sấy chân không đặt dưới tàu lưới kéo sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc sấy khô sản phẩm mực ống trên tàu.
Hội đồng tuyển chọn đánh giá cao hiệu quả kinh tế của đề tài đồng ý đề nghị cho triển khai. Tuy nhiên, chủ nhiệm đề tài cần chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh thuyết minh đề cương nghiên cứu đề tài theo góp ý của Hội đồng.