Tin KHCN nước ngoài
Bản đồ kỹ thuật số về đáy đại dương giúp dự báo tác động của biến đổi khí hậu (20/08/2015)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Sydney đã lập bản đồ kỹ thuật số chưa từng có về thành phần trầm tích dưới đáy đại dương bao phủ 70% bề mặt trái đất. Bản đồ tương tác này không chỉ cung cấp thông tin chi tiết về đáy đại dương mà còn giúp dự báo phản ứng của môi trường đại dương với tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về khoảng 14.500 mẫu trầm tích biển được thu thập từ các con tàu nghiên cứu trên toàn thế giới từ thập niên 50. Mười ba loại trầm tích biển chính như phù sa, đất sét và bùn tảo cát được đánh dấu bằng những màu sắc khác nhau. Bản đồ này cung cấp một liên kết còn thiếu giữa những thay đổi trên mặt biển và dưới đáy biển. Các mô hình về vị trí xuất hiện những trầm tích này không chỉ cung cấp cho các nhà khoa học thông tin về hoạt động môi trường trước đây mà còn cho phép dự báo những thay đổi môi trường trong tương lai.

 

Adriana Dutkiewicz, trưởng nhóm nghiên cứu nói: “Đáy biển sâu được xem là nơi chôn lấp “tàn dư” của thực vật phù du. Thành phần của chúng có thể giúp giải mã cách đại dương phản ứng với biến đổi khí hậu trước đây”.

 

Các bản đồ chi tiết khác sử dụng dữ liệu vệ tinh để thể hiện địa hình đáy đại dương, còn các dự án như GeoMapApp thu thập dữ liệu về đáy biển để lập bản đồ số hóa địa hình đại dương. Tuy nhiên, bản đồ mới về đáy đại dương là bản đồ số hóa đầu tiên dựa vào dữ liệu trầm tích trong gần nửa thế kỷ. Nhiều bản đồ cũ về trầm tích đáy biển có sự khác biệt không đáng kể so với bản đồ vẽ tay ra đời vào thập niên 70 và đáy biển cũng phức tạp hơn nhiều so với những gì con người nghĩ.

 

Bản đồ kỹ thuật số mới cho thấy trầm tích đá vôi và đất sét chiếm hơn 30% diện tích đáy đại dương trên thế giới. Ngoài ra, xác chết của nhóm thực vật phù du cụ thể là tảo cát, sản sinh ¼ lượng khí oxy mà chúng ta hít thở, tích tụ dưới đáy biển gần như hoàn toàn độc lập với sự nở hoa của tảo cát. Nhiều thay đổi mới được phát hiện dưới đáy biển xung quanh Ôxtrâylia.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 5507

Về trang trước Về đầu trang