Môi trường sống của chúng ta ngày càng bị ô nhiễm, không chỉ bởi lượng nguồn tài nguyên đang ngày càng bị khai thác quá mức, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy ra môi trường mà còn bởi ý thức của con người chưa tốt trong việc bảo vệ môi trường. Do đó đối với mỗi tổ chức, doanh nghiệp khi thiết kế và sản xuất ra các sản phẩm của mình nên tuân theo các nguyên tắc và có ý thức về môi trường theo tiêu chuẩn để giảm thiểu các tác động xấu tới sức khỏe, môi trường sống xung quanh.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13788:2023 về thiết kế có tính ý thức về môi trường- nguyên tắc, yêu cầu và hướng dẫn do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố mô tả các nguyên tắc, quy định các yêu cầu và cung cấp hướng dẫn cho các tổ chức có ý định tích hợp các yếu tố môi trường vào thiết kế và phát triển nhằm giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường của sản phẩm của họ.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào, bất kể quy mô, loại hình hoặc lĩnh vực của tổ chức đó. Tiêu chuẩn này không đưa ra các yêu cầu về đánh giá sự phù hợp của các sản phẩm riêng lẻ. Tiêu chuẩn này chủ yếu nhằm mục đích sử dụng bởi các ban kỹ thuật trong việc chuẩn bị các tiêu chuẩn phù hợp với các nguyên tắc được quy định trong IEC Guide 108.

Thiết kế và sản xuất các sản phẩm cần có ý thức bảo vệ môi trường sống. Ảnh minh họa
Theo hướng dẫn của tiêu chuẩn này thì các tổ chức phải thiết lập, thực hiện và duy trì thiết kế có ý thức về môi trường (ECD) như một phần không thể thiếu của thiết kế và phát triển bằng cách tích hợp các yêu cầu tương ứng vào các quy trình và hướng dẫn liên quan. ECD phải được phản ánh trong chính sách và chiến lược của tổ chức. Nếu một tổ chức có hệ thống quản lý bao gồm thiết kế và phát triển, thì ECD phải là một bộ phận của hệ thống quản lý đó.
Tổ chức phải xác định phạm vi áp dụng của ECD đối với một sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cụ thể. Phạm vi áp dụng này phải xem xét các yêu cầu liên quan của các bên liên quan và các yếu tố môi trường liên quan đến sản phẩm (hoặc nhóm sản phẩm, tùy trường hợp áp dụng) và phạm vi môi trường ảnh hưởng của tổ chức.
Các yếu tố của ECD được đưa vào thiết kế và phát triển là: Nhận dạng và phân tích các yêu cầu của các bên liên quan có liên quan; nhận dạng và đánh giá các yếu tố môi trường và các tác động tương ứng; kết hợp ECD vào thiết kế và phát triển; rà soát và liên tục cải tiến; trao đổi thông tin.
Phạm vi được xác định phải được duy trì dưới dạng thông tin tài liệu và phải có sẵn cho các bên liên quan. Kết quả thu được từ các yếu tố được liệt kê phải được lập thành tài liệu, bao gồm các kết luận tiếp theo và các trách nhiệm được giao.
Tổ chức phải thiết lập, thực hiện và duy trì một quá trình để xác định các mục sau đây liên quan đến sản phẩm đang được thiết kế và phát triển: các bên liên quan có liên quan; các yêu cầu về môi trường chung, của ngành cụ thể, của nhóm sản phẩm cụ thể và của sản phẩm cụ thể của các bên liên quan.
Khi thực hiện những điều trên, tổ chức phải đảm bảo rằng các yêu cầu từ các bên liên quan được xác định bao gồm: các giai đoạn khác nhau của vòng đời khi áp dụng các yêu cầu đó; các yếu tố môi trường của sản phẩm; thị trường theo phần địa lý dự kiến của sản phẩm; các hoạt động của tổ chức liên quan đến thiết kế và phát triển sản phẩm.
Phải thiết lập, thực hiện và duy trì một quá trình để nhận dạng và đánh giá các yếu tố môi trường liên quan đến sản phẩm. Quá trình này phải tính đến các tác động môi trường tương ứng với các yếu tố môi trường đó của sản phẩm trong suốt vòng đời và phạm vi của ECD.
Khi đánh giá các yếu tố môi trường của một sản phẩm, phải áp dụng nhận dạng các yếu tố môi trường liên quan đến một sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm; đánh giá các tác động môi trường liên quan đến các yếu tố môi trường đã nhận dạng; xác định các yếu tố môi trường đáng kể. Được phép sử dụng đánh giá định tính hoặc định lượng và mức độ ưu tiên của các yếu tố môi trường. Nếu khả thi, khuyến khích áp dụng phương pháp định lượng.
Các hành động cải tiến phải được xác định và thực hiện dựa trên kiến thức thu được qua quá trình rà soát nếu: các mục tiêu môi trường không được đáp ứng; hoặc các mục tiêu môi trường không còn phù hợp hoặc không còn hợp lực.
Thông tin tài liệu nhận được từ các lần rà soát bao gồm các hành động được chỉ định phát sinh từ việc rà soát, phải được tạo ra, giữ lại và dùng làm tài liệu tham khảo cho sự phát triển sản phẩm trong tương lai và các hoạt động cải tiến liên tục...