Thiết bị điện, điện tử là một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp hiện đại, sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như thiết bị truyền thông, điện tử tiêu dùng và điện tử ô tô. Tuy nhiên, quá trình sản xuất các sản phẩm điện tử thường liên quan đến lượng lớn năng lượng tiêu thụ và phát thải chất gây ô nhiễm, đặc biệt khi xử lý các hóa chất độc hại, kim loại nặng và rác thải điện tử. Do đó, các chính sách về môi trường đang dần được tăng cường trên toàn cầu nhằm mục đích giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất sản phẩm điện tử đối với môi trường.
Theo yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường, việc điều chỉnh chuỗi cung ứng đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp không chỉ tập trung vào quy trình sản xuất của riêng mình mà còn phải đảm bảo các mắt xích khác trong chuỗi cung ứng tuân thủ tiêu chuẩn về môi trường. Điều này thúc đẩy các công ty xem xét lại mạng lưới nhà cung cấp của mình, loại bỏ các nhà cung cấp không đáp ứng yêu cầu về môi trường và thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng theo hướng thân thiện hơn với môi trường.
Tại Việt Nam hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13791:2023 về hài hòa các tiêu chí về tính năng môi trường đối với sản phẩm điện, điện tử- nghiên cứu tính khả thi nhằm cung cấp cách đánh giá khả thi để xác định xem liệu có thể hài hòa tiêu chí về tính năng môi trường và liệu có lợi cho ngành kỹ thuật điện hay không.

Thiết bị điện, điện tử nên đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn. (Ảnh minh họa)
Tiêu chuẩn này được thiết kế như một báo cáo nghiên cứu khả thi hơn là một tiêu chuẩn. Nó báo cáo khả năng/cơ hội để hài hòa các tiêu chí về tính năng môi trường, cùng với đó là tính khả thi cho sự phát triển trong tương lai một tiêu chuẩn quốc tế về các tiêu chí tính năng môi trường. Các kiến thức và khuyến nghị của tiêu chuẩn này dựa trên việc xem xét một số tiêu chuẩn nhãn sinh thái nổi bật có sẵn trên thế giới cũng như các cuộc thảo luận chủ động tiếp cận với các bên liên quan bên trong và bên ngoài.
Nói chung, các chương trình nhãn sinh thái được xác định và hoạt động theo TCVN ISO 14020 và TCVN ISO 14024, xem xét toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Một nhãn sinh thái có thể được gắn vào các sản phẩm sau khi xem xét nghiêm ngặt.
Bằng cách xác minh cho một hoặc nhiều chương trình nhãn sinh thái và các nhà chế tạo cam kết giảm tác động môi trường có mục tiêu trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, các sản phẩm có thể được hưởng lợi bằng cách tạo sự khác biệt với các sản phẩm tương tự không tôn trọng triệt để các yêu cầu về nhãn sinh thái đó.
Đối với các sản phẩm EEE (thiết bị điện và điện tử), mục đích của chương trình nhãn sinh thái khác nhau là để thực hiện một hoặc nhiều cải tiến trong môi trường như: Bảo tồn năng lượng/tiêu thụ năng lượng thấp hoặc ít hơn. Các sản phẩm EEE mang nhãn sinh thái tiêu thụ ít năng lượng hơn trong quá trình sử dụng chúng so với các sản phẩm tương tự trên thị trường không mang nhãn sinh thái.
Tránh/giảm thiểu các vật liệu độc hại cho môi trường. Các sản phẩm EEE mang nhãn sinh thái phải đáp ứng tiêu chí nghiêm ngặt về việc giảm thiểu chất độc hại được sử dụng trong các thành phần, bao bì và trong quá trình chế tạo chúng, để tránh gây hại cho môi trường hoặc sức khỏe con người.
Đối với vật liệu bao gói, yêu cầu sử dụng hàm lượng tái chế của các loại bìa cứng và nhựa dường như là một yêu cầu toàn cầu đối với các loại nhãn sinh thái khác nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt tồn tại ở mức độ tham vọng (hàm lượng tính bằng phần trăm) được đặt bởi các nhãn sinh thái khác nhau. Điều này gợi ý rằng bản thân các tiêu chí có nhiều khả năng dễ hài hòa nhưng tham vọng (mục tiêu tính theo phần trăm) có thể khó hài hòa hơn.
Lợi ích tiềm năng cho các cơ quan quản lý và nhà điều hành nhãn sinh thái sẽ đảm bảo rằng mục tiêu môi trường của các quốc gia được đáp ứng dựa trên các yêu cầu giống nhau.
Chương trình với các tiêu chuẩn có yêu cầu khác nhau có thể làm cho thương mại quốc tế trở nên cồng kềnh, vì thiếu sự hài hòa có thể có tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu sản phẩm. Các tiêu chí được xác định rõ ràng, hài hòa và giám sát thường xuyên có thể đảm bảo giảm thiểu các rào cản đối với thương mại quốc tế.
Sản phẩm hiển thị các nhãn sinh thái khác nhau có thể không được thừa nhận là cung cấp tính năng môi trường tương đương, điều này có thể tạo ra gánh nặng không đáng có bằng cách yêu cầu thử nghiệm, xác minh không cần thiết và lặp đi lặp lại. Hài hòa tiêu chí sẽ cải thiện sự thừa nhận lẫn nhau về nhãn sinh thái giữa các quốc gia và khu vực. Hài hòa tiêu chí làm giảm đáng kể nỗ lực và nguồn lực của các nhà điều hành riêng lẻ để phát triển các tiêu chí và phương pháp xác minh tương ứng.