Dưới sự phát triển không ngừng của công nghệ sản xuất ô tô, lốp xe ô tô cũng dần hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu suất vận hành cũng như đảm bảo an toàn cho người lái. Cấu tạo lốp xe không chỉ là một khối cao su được bơm hơi mà còn tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến, trải qua quá trình sản xuất hết sức khắt khe trước khi đến tay người dùng.
Tuy nhiên do lốp ô tô đóng vai trò hấp thụ những va đập từ mặt đường, giảm xóc khi xe di chuyển, hạn chế tối đa các dao động, cú sốc khi vận hành xe trên đường, đặc biệt đối với đường xấu, gồ ghề. Do đó đối với những loại lốp hơi kém chất lượng sẽ không đảm bảo an toàn khi lưu thông vì vậy cần phải đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật, chất lượng an toàn theo quy chuẩn quy định.
Hiện tại Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 34:2024/BGTVT lốp hơi dùng cho ô tô nhằm quy định về yêu cầu kỹ thuật trong kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất lắp ráp và nhập khẩu đối với lốp hơi dùng cho ô tô, rơ moóc, sơmi rơ moóc mới. Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp trong nước, tổ chức, cá nhân nhập khẩu lốp; các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với lốp.
Lốp hơi dùng cho ô tô phải đáp ứng các yêu cầu theo quy chuẩn quy định. Ảnh minh họa
Theo quy định tại quy chuẩn này lốp phải được kiểm tra, thử nghiệm và đáp ứng các quy định về ký hiệu trên lốp. Các lốp đăng ký kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận, phải có ký hiệu trên hai thành bên của lốp trong trường hợp lốp đối xứng và ít nhất trên thành ngoài của lốp trong trường hợp lốp không đối xứng phải có: Tên cơ sở sản xuất hoặc nhãn hiệu thương mại. Mô tả thương hiệu hoặc tên thương mại. Tuy nhiên mô tả thương mại không bắt buộc khi nó trùng với tên thương hiệu hoặc nhãn hiệu; Ký hiệu kích cỡ lốp; Mô tả sự liên hệ giữa tải trọng và tốc độ. Mô tả sự liên hệ giữa tải trọng và tốc độ bổ sung (nếu có); Chỉ số áp suất của lốp phải có trên ít nhất một thành bên của lốp.
Lốp phải có ít nhất 6 hàng ngang các dấu chỉ báo mòn mặt hoa lốp ở khoảng cách xấp xỉ đều nhau và được đặt trong rãnh chính của hoa lốp, dọc theo chu vi lốp. Các dấu chỉ báo này phải dễ nhận biết và không nhầm lẫn với các chi tiết khác trên bề mặt lốp. Tuy nhiên, đối với lốp sử dụng vành có đường kính danh nghĩa là 12 hoặc nhỏ hơn, có thể chỉ bố trí 4 hàng ngang các dấu chỉ báo. Khi các rãnh hoa lốp không sâu hơn 1,6mm, các dấu chỉ báo mòn mặt hoa lốp phải chỉ báo độ mòn với sai lệch +0,60 mm/-0,0 mm.
Chiều cao dấu chỉ báo mòn mặt hoa lốp được xác định bằng cách đo độ chênh lệch về chiều sâu từ bề mặt hoa lốp tới đỉnh của dấu chỉ báo mòn và tới đáy của rãnh hoa lốp, gần với chỗ dốc ở chân của dấu chỉ báo mòn mặt hoa lốp. Các kích thước của lốp phải phù hợp với tiêu chuẩn đăng ký của cơ sở sản xuất và ghi trên lốp.
Yêu cầu kỹ thuật chiều rộng mặt cắt ngang của lốp có thể nhỏ hơn chiều rộng mặt cắt ngang. Chiều rộng toàn bộ của lốp có thể lớn hơn chiều rộng mặt cắt ngang nhưng không vượt quá tỷ lệ phần trăm và giá trị được làm tròn đến milimét. Lốp phải được thử tính năng tải trọng/tốc độ hoặc độ bền theo quy trình nêu trong quy chuẩn này.
Lốp nhập khẩu, sản xuất lắp ráp phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phụ tùng xe cơ giới.