Sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) cùng chịu trách nhiệm về việc thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật, sau 5 năm nỗ lực xây dựng và sửa đổi, vừa qua, ISO đã chính thức công bố các tiêu chuẩn quốc tế mới giúp doanh nghiệp đảm bảo quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Ba tiêu chuẩn ISO mới là Định nghĩa, nguyên tắc và hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn (ISO 59004), Hướng dẫn về quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh và mạng lưới giá trị (ISO 59010) và Đo lường và đánh giá hiệu suất tuần hoàn (ISO 59020).
Bộ tiêu chuẩn cung cấp các công cụ toàn diện để triển khai nền kinh tế tuần hoàn đối với doanh nghiệp, từ nguyên tắc đến phép đo lường hiệu suất, ngoài ra còn đưa ra định nghĩa chung về nền kinh tế tuần hoàn và các nguyên tắc, giải pháp xây dựng tính đồng thuận đối với các tổ chức xuyên quốc gia.
Lần đầu tiên, các tiêu chuẩn ISO về kinh tế tuần hoàn đã đưa một bộ khung chung cung cấp về định nghĩa, việc triển khai, mô hình kinh doanh, mạng lưới giá trị, phép đo và đánh giá toàn bộ lĩnh vực; doanh nghiệp, tổ chức công hay tư đều được áp dụng một cách thuận tiện.
ISO công bố 03 tiêu chuẩn quốc tế mới về nền kinh tế tuần hoàn
ISO 59004 - Định nghĩa, nguyên tắc và hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn
Tiêu chuẩn đầu tiên là ISO 59004, cung cấp định nghĩa quốc tế chung về nền kinh tế tuần hoàn, xác định sáu nguyên tắc bổ sung và liên kết với nhau. Cụ thể là tư duy hệ thống, tạo giá trị, chia sẻ giá trị, quản lý tài nguyên, theo dõi tài nguyên và khả năng phục hồi của hệ sinh thái. Trong tiêu chuẩn này cũng chỉ ra cách thức ưu tiên để đạt được hiệu suất tuần hoàn tốt nhất là: tìm nguồn tài nguyên phù hợp, giảm thiểu những phần thừa, sửa chữa, tái sử dụng, tân trang, tái sản xuất, phân tầng, thu hồi năng lượng còn tồn và khai thác lại.
Ngoài việc thiết lập định nghĩa và các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn, tiêu chuẩn này còn cung cấp hướng dẫn thực hiện triển khai ISO 59004, các doanh nghiệp, tổ chức công và tư có thể phát triển giải pháp bền vững nhằm cải thiện mối quan hệ với các bên liên quan và tuân thủ quy định về môi trường.
Tiêu chuẩn này xem là bước nền tảng Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế đã đặt ra cho hai tiêu chuẩn tiếp theo, nhằm đóng góp vào việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng hỗ trợ quản lý tài nguyên bền vững.
ISO 59010 - Hướng dẫn quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh và mạng lưới giá trị
Tiêu chuẩn nêu ra các bước phân tích mô hình kinh doanh hiện tại và mạng lưới giá trị thông qua các nguyên tắc và hành động của nền kinh tế tuần hoàn. Tiêu chuẩn nhằm mục đích giúp các tổ chức xác định mục tiêu, chiến lược kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi mô hình kinh doanh và mạng lưới giá trị theo hướng tuần hoàn, chịu trách nhiệm xem xét và giám sát các hoạt động hiện tại.
Với doanh nghiệp, tổ chức công, tư có nhu cầu chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh tuần hoàn đều phải cam kết theo hướng dẫn chi tiết trong ISO 59010.
Có thể nói, tiêu chuẩn thứ hai này hỗ trợ tất cả đối tượng quan tâm đến việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu chất thải, tăng cường khả năng thích ứng với thay đổi về quy định và thị trường và điều chỉnh hoạt động kinh doanh của họ theo các Mục tiêu toàn cầu về tính bền vững.
ISO 59020 - Đo lường và đánh giá hiệu suất tuần hoàn
Tiêu chuẩn ISO 59020 được xây dựng nhằm áp dụng cho nhiều cấp độ khác nhau của một hệ thống kinh tế, từ cấp khu vực, liên tổ chức và tổ chức sản phẩm. ISO 59020 được xây dựng để giám sát các mục tiêu và hành động (giảm thiểu, sửa chữa, tái sử dụng, tái chế), đo lường dòng tài nguyên (bao gồm nguồn vào, nguồn ra và tổn thất), đánh giá tác động bền vững (xã hội, môi trường và kinh tế), đồng thời luôn xem xét chỉ số của tính tuần hoàn, chẳng hạn việc sử dụng các nguồn tài nguyên như năng lượng và nước.
Việc sử dụng chi tiết các tiêu chí trong khuôn khổ tiêu chuẩn ISO 59020 để đo lường và đánh giá hiệu suất tuần hoàn nhằm hỗ trợ các tổ chức giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong báo cáo về môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định chiến lược để quản lý tài nguyên bền vững.
Song song hoạt động với các tiêu chuẩn mới được giới thiệu này là hai tiêu chuẩn ISO: ISO 59040 Bảng dữ liệu tuần hoàn sản phẩm và ISO 59014 Tính bền vững và khả năng truy xuất nguồn gốc của việc thu hồi vật liệu thứ cấp. Các tiêu chuẩn này có giá trị quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn cho doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa được chính thức đi vào hoạt động do vẫn đang trong giai đoạn phát triển và dự thảo.
Đồng thời, quá trình phát triển các tiêu chuẩn ISO cho nền kinh tế tuần hoàn được kết nối với các tiêu chuẩn ISO khác, bao gồm tiêu chuẩn về nguồn cung ứng và chất lượng bền vững, quản lý môi trường.