Ban hành kèm theo Thông tư 19/2024/TT-BTTTT là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức hấp thụ riêng đối với thiết bị vô tuyến cầm tay và đeo trên cơ thể người (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT). Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT quy định về giới hạn và phương pháp đo mức hấp thụ riêng đối với các thiết bị vô tuyến điện có công suất bức xạ đẳng hướng tương đương lớn hơn 20 mW và được nhà sản xuất thiết kế có thể sử dụng ở khoảng cách dưới 200 mm với con người.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT không áp dụng cho thiết bị y tế cấy ghép. Mã số HS theo quy định tại Phụ lục E.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và khai thác các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật này trên lãnh thổ Việt Nam.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT có hiệu lực từ ngày 15/02/2025.
Quy định quản lý về mức hấp thụ riêng đối với thiết bị vô tuyến cầm tay và đeo trên cơ thể người: Căn cứ theo Mục 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT quy định quản lý về mức hấp thụ riêng đối với thiết bị vô tuyến cầm tay và đeo trên cơ thể người như sau: Các thiết bị vô tuyến liên quan thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại điều 1.1 phải tuân thủ các quy định kỹ thuật trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT; Việc chứng nhận hợp quy, công bố đối với các thiết bị thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT, phương thức đánh giá sự phù hợp theo (6) và các quy định hiện hành;
Phương tiện, thiết bị đo và thử nghiệm phục vụ đánh giá sự phù hợp: Tuân thủ các quy định pháp luật về đo lường và pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa; Máy điện thoại di động mặt đất (xem Phụ lục E) bắt buộc phải công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định; Thiết bị điện thoại không dây loại kéo dài thuê bao vô tuyến DECT, máy tính xách tay, máy tính bảng (xem Phụ lục E) phải công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân trên cơ sở kết quả thử nghiệm.
Phương thức đánh giá sự phù hợp: Việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo các phương thức: Phương thức 1, phương thức 5 và phương thức 7 được quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN và các sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư 28/2012/TT-BKHCN .
Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình: Áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong dây chuyền đã có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001 hoặc tương đương).
Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.: Áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong dây chuyền chưa có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001 hoặc tương đương) nhưng có quy trình sản xuất và giám sát đảm bảo chất lượng để đánh giá.
Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa: Áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa không áp dụng được theo Phương thức 1 hoặc Phương thức 5.
Phương thức đánh giá sự phù hợp phải được ghi cụ thể trên giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.