Tiêu chuẩn ĐLCL
Sửa đổi quy định nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng (27/07/2015)
-   +   A-   A+   In  

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đang tiếp tục lấy ý kiến các thành viên thị trường nhằm xây dựng thông tư về nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng phù hợp hơn.

Seiko là tập đoàn Nhật Bản chuyên sản xuất các loại khuôn mẫu. Tại đây, 100% máy móc, thiết bị đều đã qua sử dụng trên 25 năm ở Nhật trước khi đưa về Việt Nam. Trong khi đó, Thông tư 20 của Bộ KH&CN quy định, các máy móc cũ muốn nhập khẩu vào Việt Nam cần phải đáp ứng 2 tiêu chí: thời gian sử dụng không quá 5 năm và chất lượng còn lại trên 70%. Nếu theo những quy định này, toàn bộ số máy móc tại đây đều không đạt.

 

Ông Takahashi Joji, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Seiko, cho biết: "Sản phẩm của chúng tôi là khuôn mẫu nên máy móc bắt buộc phải vận hành chính xác mới có thể đảm bảo đúng các thông số kỹ thuật cho sản phẩm. Dĩ nhiên máy càng mới thì càng tốt nhưng sẽ rất đắt, thậm chí có thể cao gấp 10 lần".

 

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp năm 2015, các doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thẳng thắn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc, rào cản trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Bản đề xuất dài 20 trang liên quan đến quy định nhập khẩu máy móc chủ yếu là của doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản - hai quốc gia đứng đầu về lượng vốn FDI vào Việt Nam.

 

Ông Mark G.Gillin, Cựu Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham), cho rằng: "Nếu những cỗ máy này vẫn đang hoạt động tốt ở Hàn Quốc, Đức hay Malaysia... thì tại sao khi mang về Việt Nam, chúng lại không thể vận hành tốt? Cơ quan nào sẽ thẩm định chất lượng? Liệu cơ quan này có thực sự hiểu về máy móc hơn những kỹ sư ở các doanh nghiệp - người trực tiếp làm việc với máy móc trong hàng năm trời?".

 

Tiếp thu ý kiến từ các doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã đưa ra dự thảo thông tư sửa đổi. Nội dung mới nhất quy định, máy móc cũ muốn nhập khẩu vào Việt Nam chỉ cần đáp ứng một tiêu chí duy nhất là thời gian sử dụng không quá 10 năm, thay vì 2 tiêu chí như trước đây.

 

Ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, Bộ KH&CN - cho biết: "Ở đây hoàn toàn không có vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các nước hàng năm đều có công bố các máy móc thiết bị, nhà máy đóng cửa do công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiêm môi trường thì việc ngăn chặn công nghệ lạc hậu vào Việt Nam là cần thiết".

 

Theo dự kiến, Thông tư sửa đổi Thông tư 20 sẽ được ban hành trong tháng 8 tới đây và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016 sau khi Bộ KH&CN báo cáo Chính phủ. Bộ KH&CN cho biết, với các hợp đồng nhập khẩu máy móc cũ đã xếp hàng hóa lên phương tiện vận chuyển trước ngày Thông tư mới có hiệu lực thì sẽ không chịu sự điều chỉnh của thông tư này.

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 3756

Về trang trước Về đầu trang