Tin KHCN trong tỉnh
Nâng tầm sản phẩm OCOP (25/11/2024)
-   +   A-   A+   In  

Huyện Châu Đức đang triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp các DN, HTX nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bà Rịa-Vũng Tàu giới thiệu sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo với bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Phó Chánh Văn phòng BCĐ quốc gia về kinh tế tập thể.

Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bà Rịa-Vũng Tàu giới thiệu sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo với bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Phó Chánh Văn phòng BCĐ quốc gia về kinh tế tập thể.

Hỗ trợ chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP

Trên địa bàn huyện có 24 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 19 sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm OCOP đều có nguồn nguyên liệu từ các loại nông sản chủ lực của địa phương như: hồ tiêu, cà phê, ca cao, hạt điều, heo, thịt gà và các nông sản khác (nấm, chuối, mật ong). 100% sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn (nay đổi tên thành buudien.vn).

Nhận thấy nấm đông trùng hạ thảo mang giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, ông Lê Hòa Bình, ở xã Bình Ba đã nghiên cứu và kinh doanh sản phẩm nấm trên nền tảng mạng xã hội. Theo thời gian, lượng khách và đơn đặt hàng ngày càng ổn định, ông mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất và thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa-Vũng Tàu.

Để có thêm cơ hội thâm nhập các hệ thống siêu thị, phân phối bán lẻ trong và ngoài tỉnh, ông Bình chủ động lập hồ sơ đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Lần đầu tiên tham gia chương trình OCOP, đơn vị còn lúng túng trong việc thực hiện thủ tục, hồ sơ. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ, hướng dẫn của các ngành chuyên môn của tỉnh, UBND huyện Châu Đức, sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo của HTX đã được hoàn thiện về bao bì, tem, nhãn, truy xuất nguồn gốc…

“Hiện nay, HTX có 3 sản phẩm: Trà đông trùng hạ thảo, Ngũ cốc đông trùng hạ thảo và Cordyceps BHA tửu đạt OCOP 4 sao. Đây là cơ hội để quảng bá, nâng tầm và đưa sản phẩm của HTX đến gần hơn với người tiêu dùng”, ông Lê Hòa Bình cho biết.

Với quy mô hơn 700 hồ nuôi/689 ngàn con lươn, HTX nuôi lươn Châu Đức là đơn vị tiên phong sản xuất, kinh doanh lươn thịt và lươn giống trên địa bàn. Mỗi năm, HTX nuôi lươn Châu Đức cung cấp ra thị trường hơn 30 tấn lươn thương phẩm và hàng trăm ngàn con lươn giống, mang về thu nhập cho các thành viên từ 20-40 triệu đồng/tháng.

HTX đã giới thiệu các sản phẩm mới như: lươn chà bông, lươn sấy khô, lươn cuộn thịt, lươn tách xương tươi… sản xuất theo quy trình an toàn, tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm với các DN trong và ngoài tỉnh.

Theo phòng NN-PTNT huyện, đơn vị đã tham mưu UBND huyện Châu Đức hỗ trợ Dự án liên kết cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ lươn thương phẩm. Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ tập huấn cho HĐQT, Ban Giám đốc của HTX về các kiến thức trong hoạt động... Trong năm 2024, địa phương sẽ hỗ trợ HTX đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với thịt lươn.

Thực hiện Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh, trong năm 2024, UBND huyện đã phê duyệt hỗ trợ HTX Thương mại-Dịch vụ-Nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu liên kết, cung cấp giống ca cao cho 167 nông hộ/61,70ha; HTX Cacao Châu Đức và  HTX Sầu Riêng 9 Bê liên kết hỗ trợ phân vi sinh cho 167 nông hộ tham gia 2 chuỗi liên kết này.

Huyện tiếp tục xem xét, hỗ trợ Dự án liên kết cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thủy sản (lươn thịt, cá chình); liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX Sầu riêng Liên Đức…

Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Tháng 12/2024, huyện Châu Đức sẽ tổ chức hội nghị đánh giá 13 sản phẩm OCOP mới đạt từ 3 sao trở lên, đồng thời nâng hạng các sản phẩm OCOP tiềm năng và đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực công nhận. Huyện cũng phối hợp và tổ chức cho các chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP, hướng đến xuất khẩu.

Theo ông Lê Văn Quang, Giám đốc HTX Thương mại-Dịch vụ-Nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu, từ khi HTX thành lập (tháng 5/2023 đến nay), các sở, ngành của tỉnh và huyện thường xuyên hỗ trợ HTX về hồ sơ, thủ tục để sản phẩm được công nhận OCOP và tham dự các gian hàng trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm của HTX được kiểm chứng về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, được quảng bá rộng rãi, tạo lợi thế để sản phẩm nâng cao giá trị và cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. HTX đã liên kết với 76 hộ nông dân tham gia chuỗi sản xuất 116ha ca cao, trong đó có 5ha ca cao canh tác theo quy trình hữu cơ. Đồng thời, HTX cũng đã liên kết với Công ty OCA Việt Nhật trong bao tiêu ca cao và chế biến sâu các sản phẩm từ hạt ca cao lên men.

Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, sản xuất nông nghiệp của huyện với mục tiêu sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị trên cơ sở khai thác lợi thế của địa phương và nhu cầu của người tiêu dùng. Để đạt mục tiêu này, sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý và tiêu chuẩn ATVSTP khi ra thị trường. Vì thế, cùng với đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, huyện đã chỉ đạo xây dựng các sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, có nhãn hiệu hàng hóa, logo, địa chỉ sản xuất, mã vạch truy xuất nguồn gốc.

“Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình OCOP sát với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ. Cùng với đó, huyện duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận, nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân”, ông Đỗ Chí Khởi cho hay.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 362

Về trang trước Về đầu trang