Tiêu chuẩn ĐLCL
TCVN 13866:2023 xác định độ ổn định kích thước của thanh định hình polyvinyl clorua (13/11/2024)
-   +   A-   A+   In  
Nhờ vào tính năng dẻo, độ bền cao nên thanh định hình PVC được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp. Tuy nhiên để đáp ứng được tỷ lệ kích thước chuẩn thì nên xác định độ ổn định sau khi mẫu thử được phơi nhiệt theo TCVN 13866:2023.

Polyvinyl Clorua (PVC) là một vật liệu quan trọng, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Hiện tại, đây là một trong những vật liệu quan trọng bậc nhất trong các ngành công nghiệp. Chính vì vậy, các đặc điểm, ứng dụng, tính chất của nó đều được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Vật liệu này còn có tên gọi khác là poly (vinyl chloride). Nó là một loại nhựa nhiệt dẻo có tính ứng dụng cao, được tạo ra thông qua phản ứng trùng hợp vinylclorua. PVC là một trong những vật liệu nhân tạo được tổng hợp sớm nhất và có lịch sử phát triển lâu dài nhất trong công nghiệp.

PVC là một vật liệu tổng hợp không độc. Một số sản phẩm làm từ PVC bị phản ánh là có độc tính, là do các chất phụ gia sử dụng trong quá trình sản xuất còn tồn dư, không được xử lý hiệu quả. Trong đời sống PVC được ứng dụng rất đa dạng. Do nó có tính mềm dẻo cao, có thể dễ dàng điều chỉnh độ dẻo của vật liệu cho phù hợp với từng ứng dụng. Nhờ các hoá chất tạo dẻo đặc biệt, PVC có chất lượng gia công tốt và dễ sử dụng.

Ngoài ra nhờ có độ linh hoạt và cứng chắc nên sản phẩm này được dùng rất nhiều trong xây dựng. Nổi bật có thể kể tới làm ống dẫn nước, bọc dây điện, chế tạo vỏ dây cáp, dây điện, bọc các kim loại dễ bị oxy hoá…Nhựa PVC sử dụng trong ngành y tế với nhiều ứng dụng khác nhau nổi bật như ống hô hấp, túi đựng máu, túi đựng dịch, thiết bị lọc máu… giúp đảm bảo dễ dàng bảo quản các loại thuốc, hoá chất cũng như vận chuyển vật liệu mà không tốn nhiều chi phí.

 

Thanh định hình PVC được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống. Ảnh minh họa

Những năm gần đây, các sản phẩm nội thất làm từ PVC đã trở nên phổ biến hơn như tủ bếp PVC, bàn học, giá sách, cửa, kệ tivi, vách ngăn, ốp tường, kệ trang trí… Không chỉ chống ẩm mốc, mối mọt, PVC còn ăn điểm nhờ độ an toàn, chi phí phải chăng và độ bền cao hơn nhiều.

Với những ưu điểm về tính linh hoạt và độ dai dẻo, PVC còn là nguyên liệu hàng đầu để sản xuất các bao bì đóng gói. Trong ngành dệt may, PVC được dùng để làm các bộ trải giường, ga giường, thảm sàn mỏng có tính năng chống thấm tốt. Tuy nhiên để vận dụng sản phẩm này vào thực tiễn thì ngoài việc phải thực hiện công bố hợp quy theo quy định tại QCVN 16:2019/BXD trước khi lưu thông trên thị trường thì khi chế tạo, sản xuất doanh nghiệp cũng nên xác định độ ổn định kích thước theo tiêu chuẩn sau phơi nhiệt để giúp thanh định hình đáp ứng được kích thước chuẩn theo quy định.

Căn cứ tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13866:2023 chất dẻo - thanh định hình (profile) polyvinyl clorua (PVC) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các phương pháp xác định độ ổn định kích thước đối với thanh định hình poly vinyl clorua không hóa dẻo (u-PVC) sau khi mẫu thử được phơi nhiệt trong không khí ở 100°C. Tiêu chuẩn này cũng áp dụng để xác định độ ổn định kích thước sau khi phơi nhiệt cho thanh định hình trên cơ sở PVC ở các nhiệt độ/điều kiện thử nghiệm được quy định.

Về nguyên tắc mẫu thử có chiều dài quy định được cắt từ thanh định hình, sau đó được phơi nhiệt trong tủ sấy ở 100°C trong 1h. Khoảng cách đánh dấu ở trên mẫu thử được đo trong điều kiện giống nhau ở giai đoạn trước và sau khi phơi nhiệt trong tủ sấy. Độ ổn định kích thước được tính bằng phần trăm sự thay đổi của chiều dài sau khi phơi nhiệt với chiều dài trước khi phơi nhiệt trên mỗi cặp đánh dấu.

Khi thực hiện lấy mẫu thử nên sử dụng tủ sấy có thông khí, có khả năng kiểm soát nhiệt và lưu thông tuần hoàn không khí để các mẫu thử phơi nhiệt trong đó được duy trì ở 100°C. Tủ sấy phải được trang bị độ điều khiển nhiệt có khả năng duy trì nhiệt độ ở (100 ± 3)°C và hệ thống giá đỡ dùng để đặt mẫu thử và có khả năng truyền nhiệt. Mẫu thử phải có chiều dài tối thiểu 250 mm được cắt từ thanh định hình. Sau đó cần để ổn định mẫu thử ở điều kiện nhiệt độ phòng ít nhất 1h trước khi thử nghiệm. Trong trường hợp tranh chấp, mẫu thử phải được ổn định ở điều kiện nhiệt độ (23 ± 2)°C.

Nên dùng dụng cụ đánh dấu hoặc dụng cụ tương đương để đánh dấu lên mỗi mẫu thử hai vạch đánh dấu có phương vuông góc với trục của thanh định hình cách nhau một khoảng là 200 mm, một trong hai vạch đánh dấu này phải cách đầu của mẫu thử khoảng 25 mm. Đo khoảng cách giữa hai vạch đánh dấu của tất cả các cặp mẫu thử ở nhiệt độ phòng, với độ chính xác là 0,1 mm. Đặt nhiệt độ tủ sấy tại 100°C. Khi nhiệt độ tủ sấy đạt đến 100°C, đặt các mẫu thử nằm ngang trên giá đỡ mẫu. Mẫu thử được phơi nhiệt trong tủ sấy trong khoảng thời gian min, thời gian phơi nhiệt bắt đầu tính từ khi nhiệt độ của tủ sấy đạt lại 100°C.

Khi kết thúc thời gian phơi nhiệt, chuyển giá đỡ mẫu từ tủ sấy ra ngoài và làm nguội trong không khí đến nhiệt độ phòng trên giá đỡ mẫu. Đo lại khoảng cách giữa hai vạch đánh dấu trên mỗi cặp của mẫu thử. Trong trường hợp tranh chấp, quá trình làm nguội và đo khoảng cách giữa hai vạch đánh dấu được thực hiện ở nhiệt độ (23 ± 2)°C. Trong trường hợp có các yêu cầu liên quan, với mỗi mẫu thử tính toán giá trị sai lệch của độ ổn định kích thước (ΔR) giữa hai bề mặt đối diện, biểu thị bằng %, theo quy định của tiêu chuẩn sản phẩm.

Tiêu chuẩn cũng đưa ra yêu cầu khi báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin Viện dẫn tiêu chuẩn này (là TCVN 13866:2023); Tên phòng thử nghiệm sản phẩm; Các thông tin nhận biết đầy đủ về sản phẩm thử nghiệm; Ngày tháng thử nghiệm; Khoảng cách giữa hai vạch của mỗi cặp đánh dấu trên mẫu thử trước khi phơi nhiệt trong tủ sấy (L0); Khoảng cách giữa hai vạch của mỗi cặp đánh dấu trên mẫu thử sau khi phơi nhiệt trong tù sấy (L1); Giá trị sai lệch của độ ổn định kích thước, cho mỗi mẫu thử trong trường hợp yêu cầu liên quan; Các chi tiết không quy định trong tiêu chuẩn này, cũng như các sai lệch làm ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 220

Về trang trước Về đầu trang