Lớp truyền dạy dân ca Châu Ro của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.
Phát triển di sản văn hóa dân tộc
Nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa dân tộc, Sở VH-TT đã đặt hàng Sở KH-CN đề tài nghiên cứu KH-CN cấp tỉnh "Phục dựng, phát triển, bảo tồn nghệ thuật diễn xướng dân gian Châu Ro". Đề tài đã hoàn thành, nghiệm thu và chuyển giao trong năm 2024.
“Đề tài là cơ sở để nghiên cứu, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc và là nguồn tư liệu gốc quý giá để ứng dụng trong sáng tạo các giá trị nghệ thuật mới. Bảo tồn và phát triển vốn nghệ thuật diễn xướng dân gian Châu Ro góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà”, ông Phạm Diêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, chủ nhiệm đề tài cho biết.
Nhóm tác giả thực hiện đề tài đã nghiên cứu, phục dựng các chương trình, tiết mục nghệ thuật diễn xướng dân gian Châu Ro, xây dựng một số tiết mục biểu diễn phục vụ công chúng, đề xuất các giải pháp, hướng bảo tồn và phát triển phục dựng lại lễ hội dân gian trong cộng đồng Châu Ro-lễ hội Ốp yang va (cúng thần Lúa).
Sản phẩm đề tài sau nghiên cứu đã cung cấp nhiều thông tin quý giá cho các nhà nghiên cứu, cấp, ngành có liên quan ở địa phương về lịch sử người Châu Ro vùng Đông Nam Bộ, phục vụ công tác quản lý Nhà nước về văn hóa và dân tộc; cơ sở đề ra các chủ trương, chính sách về kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp, thích ứng với vùng đồng bào dân tộc Châu Ro nói riêng và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung.
Theo Sở KH-CN, sản phẩm đề tài đã được chuyển giao rộng rãi trong sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Châu Ro, các nhà văn hóa nghệ thuật, dân tộc trong và ngoài tỉnh. Các địa phương có người dân tộc Châu Ro sinh sống như các huyện: Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc cũng lên kế hoạch xây dựng tour du lịch cộng đồng khai thác giá trị văn hóa Châu Ro, quảng bá văn hóa, nghệ thuật Châu Ro tại lễ hội địa phương, hội vui xuân ngày tết cổ truyền, đề xuất thành lập HTX Ẩm thực Châu Ro... Đây còn là tư liệu giảng dạy cho Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh và các trường đại học trên toàn quốc ở lĩnh vực văn hóa, dân tộc.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh học đánh cồng chiêng Châu Ro.
Bảo tồn văn học dân gian
Mở rộng hơn trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, Sở VH-TT đã đặt hàng các nhà khoa học, chuyên gia của Sở KH-CN nghiên cứu, thực hiện đề tài "Sưu tầm và giới thiệu văn học dân gian người Việt ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu".
Nhóm chuyên gia thực hiện đề tài đã hoàn thành công trình Tuyển tập văn học dân gian người Việt trong tỉnh gồm hơn 2.500 tác phẩm thuộc hai loại hình văn vần và văn xuôi dân gian với 10 thể loại đã được chọn lọc, chỉnh lý, biên soạn từ nguồn tài liệu sưu tầm điền dã gần 9.000 đơn vị. Đây là công trình tổng hợp đầy đủ nhất các thể loại văn học dân gian của tỉnh từ trước đến nay
Đề tài đã chỉ ra được chi tiết diện mạo đặc trưng, những đặc điểm nội dung và hình thức nghệ thuật của các thể loại trong kho tàng văn học dân gian tỉnh, nghiên cứu những biểu hiện của văn học dân gian trong văn hóa, du lịch, xã hội, đề xuất ứng dụng giảng dạy văn học dân gian địa phương trong nhà trường, ứng dụng trong du lịch và các hoạt động văn hóa lễ hội, tín ngưỡng dân gian, sinh hoạt cộng đồng ở địa phương.
Các nghiên cứu về lịch sử, văn hóa - xã hội, kinh tế và giáo dục sẽ cung cấp những luận cứ khoa học tham mưu cho tỉnh và các ngành trong việc ra các quyết định, chủ trương, chính sách chỉ đạo việc tổ chức phát triển kinh tế, phát triển DN, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào công tác quản lý, giúp cho các sở, ban, ngành liên quan trong việc giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa - Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN.
Theo ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, giá trị khoa học của đề tài đã sưu tầm được nguồn tư liệu văn học dân gian của địa phương, khẳng định sự có mặt và giá trị đóng góp của văn học dân gian riêng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong diện mạo văn học dân gian khu vực, tìm ra được những đặc trưng riêng và nội dung đặc sắc của văn học dân gian địa phương so với cả nước.
Đánh giá của Sở KH-CN cũng cho thấy, nghiên cứu KH-CN ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có những bước phát triển đáng kể trong việc tăng cường nghiên cứu về văn hóa, vùng đất, con người và truyền thống lịch sử của tỉnh. Từ đó bảo vệ, tôn vinh và phát huy có chọn lọc, khai thác triệt để tiềm năng các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đa dạng hóa các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sản phẩm mới cho ngành du lịch và dịch vụ.