Tiêu chuẩn ĐLCL
Trách nhiệm bảo vệ môi trường là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững (09/11/2024)
-   +   A-   A+   In  
Việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp không chỉ tuân thủ pháp luật mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế xanh toàn cầu.

Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với mục tiêu phát triển bền vững

Trách nhiệm bảo vệ môi trường không chỉ là một yêu cầu pháp lý mà còn là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu hướng đến nền kinh tế xanh, việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Những nghiên cứu gần đây từ các chuyên gia cho thấy, ngoài việc tuân thủ pháp luật, việc thực hiện trách nhiệm xã hội về môi trường giúp doanh nghiệp không chỉ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn mở ra cơ hội phát triển lâu dài, ổn định và bền vững. 

Doanh nghiệp áp dụng công nghệ giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong bối cảnh hiện nay, thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là công cụ để thế giới hướng tới việc không có rác thải, do vậy, chuyển đổi xanh và lối sống xanh là quy định gần như bắt buộc trong giai đoạn mới. Tại các quốc gia phát triển, vấn đề này đã được đưa vào luật và có những điều khoản rõ ràng. Vì vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần thích nghi với việc chuyển đổi xanh và các quy định về bảo vệ môi trường. 

TS. Nguyễn Thị Hường, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chỉ ra rằng trong các tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường, người dân thường gặp khó khăn trong việc chứng minh hành vi vi phạm pháp luật và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật và thiệt hại thực tế. Người dân, đặc biệt là nông dân và ngư dân, có phần yếu thế so với các doanh nghiệp, vốn có điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất mạnh mẽ. Việc chứng minh mối quan hệ nhân quả trong các trường hợp này đòi hỏi sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền và cần có quy trình pháp lý rõ ràng và công bằng hơn. 

Về vấn đề này, ThS. Phạm Hồng Nhật - Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ngày nay khái niệm và các nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã được xây dựng thành các bộ tiêu chuẩn áp dụng rộng khắp trên toàn thế giới, trong đó phải kể đến tiêu chuẩn quốc tế ISO 26000 đưa ra các hướng dẫn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các nội dung cốt lõi của ISO 26000 bao gồm: điều hành tổ chức, quyền con người, thực hành lao động, môi trường, thực tiễn hoạt động công bằng, người tiêu dùng, sự tham gia và phát triển cộng đồng. 

Theo yêu cầu của bộ tiêu chuẩn ISO 26000, nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường, bao gồm các tiêu chí: phòng ngừa ô nhiễm; sử dụng tài nguyên bền vững; giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và khắc phục môi trường sống tự nhiên.

Về phía ThS. Phạm Thị Hiền - Phòng Pháp luật Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp là chủ thể quan trọng tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần thực hiện đúng nghĩa vụ pháp lý nhằm hạn chế những tác động xấu tới môi trường cũng như bảo vệ tốt môi trường thiên nhiên hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Để thực hiện được những yêu cầu đó đòi hỏi các doanh nghiệp bên cạnh ý thức tuân thủ pháp luật còn phải có trách nhiệm tự thân, nghĩa là cần thấy được rằng việc bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của mình nếu muốn phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Nghiên cứu này ngoài việc phân tích những quy định về trách nhiệm pháp lý mà doanh nghiệp phải thực hiện với môi trường, còn chỉ ra những lợi ích cụ thể không chỉ cho môi trường sống mà cả lợi ích vật chất mang lại cho bản thân doanh nghiệp từ việc bảo vệ môi trường. Thông qua việc thực hiện trách nhiệm xã hội với môi trường, doanh nghiệp cũng đang tự xây dựng hoạt động kinh doanh của mình đáp ứng với các tiêu chuẩn và yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, tiến tới phát triển kinh doanh mạnh mẽ và bền vững.

Cũng theo ThS. Phạm Thị Hiền, hiện nay, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang tiếp cận trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp ở góc độ trách nhiệm xã hội. Tiêu chuẩn ISO 26000:2013 tiêu chuẩn quốc gia hướng dẫn về trách nhiệm xã hội, cụ thể về vấn đề môi trường thì trách nhiệm xã hội thể hiện ở các khía cạnh sau: phòng ngừa ô nhiễm môi trường; sử dụng tài nguyên bền vững; giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đa dạng sinh học và khôi phục môi trường sống tự nhiên. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm xã hội nói chung mà đó là các nghĩa vụ pháp lý được quy định ở Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản pháp luật khác.

Hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh - Nền móng cho mục tiêu phát triển bền vững doanh nói riêng. Vì vậy, sự bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp gắn liền với sự bền vững của các nguồn tài nguyên, bao gồm cả tài nguyên có thể tái tạo (tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên thủy sản…) và tài nguyên không thể tái tạo (nhiên liệu hóa thạch, kim loại và khoáng sản).

Khuyến nghị tăng cường thực thi trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững ThS. Phạm Thị Hiền đưa ra một số khuyến nghị:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn đóng gói bao bì đối với hàng hóa, sản phẩm bán lẻ trực tuyến theo hướng sử dụng các vật liệu đóng gói thân thiện với môi trường.

Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế số, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, cần khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp nền tảng kinh doanh số tích cực hơn trong công tác bảo vệ môi trường thông qua các hành động giảm rác thải nhựa. Khi doanh nghiệp gắn việc kinh doanh với bảo vệ môi trường sẽ nâng cao được uy tín kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thứ ba, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từ đó doanh nghiệp sẽ nhận diện rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc thực hiện thu gom, tái chế và xử lý chất thải. Bên cạnh đó cũng cần hoàn thiện hệ thống phân loại chất thải tại nguồn để nâng cao hiệu quả thu hồi và tái chế;

Thứ tư, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường. Mặc dù các sản phẩm có dán nhãn xanh, hoặc sản phẩm của các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường sẽ có giá thành cao hơn, nhưng người mua có ý thức bảo vệ môi trường vẫn sẽ chọn mua. Từ việc thay đổi thói quen hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ tác động tới các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với định hướng bảo vệ môi trường nhiều hơn. Doanh nghiệp cũng sẽ nhìn thấy rõ những lợi ích to lớn khi thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường, đó không chỉ là nghĩa vụ mà trở thành động lực nội tại trong định hướng phát triển kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Bên cạnh việc tuyên truyền về những lợi ích mà doanh nghiệp có thể đạt được khi thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường, để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững, nhà nước cũng cần có các hoạt động cụ thể khuyến khích doanh nghiệp như: tổ chức các buổi hội chợ triển lãm, các chương trình quảng cáo sản phẩm thân thiện môi trường, mà ở đó doanh nghiệp không phải trả phí. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao cơ hội tiếp cận khách hàng, các sản phẩm của họ cũng sẽ nâng cao được tính cạnh tranh trên thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 124

Về trang trước Về đầu trang