Hợp tác quốc tế
Việt Nam - Australia: Thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (04/11/2024)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 01/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đại học Công nghệ Sydney tổ chức Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia”. Mục tiêu của Hội thảo là thúc đẩy hoạt động hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giữa 2 nước, trao đổi và đề xuất một số giải pháp cụ thể như: biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phát triển đô thị thông minh...

Toàn cảnh Hội thảo.

Thời gian qua, hoạt động KH,CN&ĐMST của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng - an ninh quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế (tăng 2 bậc so với năm 2023), duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, vị trí thứ 4 trong khu vực ASEAN. Kết quả GII năm 2024 của Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới, đó là: nhập khẩu công nghệ cao; xuất khẩu công nghệ cao; xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

Việt Nam và Australia đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào đầu năm 2024, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho cả 2 nước. Do vậy, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa các định hướng hợp tác giữa 2 nước, thúc đẩy kết nối giữa các cơ quan, doanh nghiệp, nhà khoa học nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm giải quyết các thách thức hiện nay. Những chủ đề được thảo luận tại Hội thảo bao gồm: thành phố thông minh - hạ tầng công nghệ, tài nguyên và bền vững; kinh tế tuần hoàn và công nghệ xanh; thách thức về nước đô thị và đảm bảo an ninh nguồn nước. Đây không chỉ là những chủ đề có giá trị đối với sự phát triển của Việt Nam mà còn thúc đẩy việc thực thi của 2 nước trong các cam kết quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, Việt Nam đã tập trung xây dựng và ban hành hệ thống văn bản pháp luật về KH,CN&ĐMST nhằm hoàn thiện môi trường thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH,CN&ĐMST; tiềm lực KH&CN đã được cải thiện cả về số lượng tổ chức KH&CN, nhân lực và nguồn lực đầu tư cho KH&CN, trong đó tỷ trọng đầu tư từ khu vực doanh nghiệp ngày càng tăng; doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Hiện nay, Việt Nam đang tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, đặc biệt là các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển công nghệ và thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ mới, sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới.

Việt Nam và Australia đều xác định ĐMST là một trụ cột mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước, góp phần tăng cường quan hệ song phương. Quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Australia nói chung và quan hệ hợp tác về KH,CN&ĐMST Việt Nam - Australia nói riêng trong thời gian qua đã và đang phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, việc phối hợp tổ chức Hội thảo giữa Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) với Đại học Công nghệ Sydney là một minh chứng cho sự hợp tác phát triển toàn diện giữa 2 nước đi vào thực chất và hiệu quả. Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh, Bộ KH&CN sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng nhà khoa học, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các đối tác quốc tế trong các hoạt động KH,CN&ĐMST. Đồng thời, hoan nghênh sự tham gia ủng hộ, hợp tác của các đối tác quốc tế, trong đó có vai trò quan trọng của các đại học uy tín trên thế giới, trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ĐMST để thúc đẩy phát triển hệ thống ĐMST quốc gia tại Việt Nam.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 212

Về trang trước Về đầu trang