Tiêu chuẩn ĐLCL
Tiêu chuẩn ISO 50001:2018: Hệ thống quản lý năng lượng (EnMS) (26/10/2024)
-   +   A-   A+   In  
Ngày nay, các tổ chức, doanh nghiệp đang dần quan tâm hơn đến phương pháp quản lý năng lượng nhằm giảm chi phí năng lượng tiêu thụ bằng việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 50001:2018.

Năng lượng hiện đang là một nhân tố chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp. Việc thiếu hụt năng lượng và chi phí dành cho năng lượng ngày càng tăng đang dần trở thành một thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia và các doanh nghiệp trong việc đảm bảo đáp ứng các nguồn năng lượng phục vụ cho những mục tiêu tăng trưởng và phát triển. Trong khi việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo hay năng lượng thay thế sẽ phải mất nhiều thời gian thì việc quản lý năng lượng hiệu quả nhằm giảm tiêu hao năng lượng và giảm chi phí năng lượng đang trở thành một vấn đề thu hút được sự quan tâm của nhiều người và các tổ chức khác nhau.

Để góp phần vào việc giải quyết các thách thức này, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành ISO 50001 - một tiêu chuẩn quy định các yêu cầu cần thiết để lập kế hoạch, thực hiện, duy trì và liên tục cải thiện hệ thống quản lý năng lượng (EnMS). Cách tiếp cận này lần lượt cho phép tổ chức ghi lại, xem xét, kiểm toán, phân tích và tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống quản lý năng lượng một cách có hệ thống, có tính đến các số liệu cụ thể như hiệu quả năng lượng, mức tiêu thụ năng lượng và sử dụng năng lượng.

Tiêu Chuẩn ISO 50001:2018: Hệ thống quản lý năng lượng (EnMS) giúp doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững

Các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn này đều giúp sử dụng các thiết bị tiêu thụ năng lượng một cách hiệu quả hơn. Quản lý nguồn năng lượng thuận tiện hơn trong trao đổi và minh bạch. Thúc đẩy và nhân rộng những hành động quản lý năng lượng tốt. Hỗ trợ trong việc đánh giá và xếp hạng ưu tiên trong việc ứng dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng mới. Đưa ra khung chương trình cho việc thúc đẩy hiệu quả năng lượng thông qua chuỗi cung ứng. Đơn giản hóa các cải tiến trong hệ thống quản lý năng lượng phục vụ cho các dự án giảm thiểu khí thải nhà kính.

ISO 50001 hoàn toàn có thể tích hợp với các hệ thống quản lý khác như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, môi trường ISO 14001, an toàn lao động OHSAS 18001-ISO 45001.

Tiêu chuẩn ISO 50001 được thiết kế dựa trên nguyên tắc tiếp cận quen thuộc đó là mô hình quản lý theo chu trình PDCA (Plan – Do – Check – Act, Hoạch định - Thực hiện - Kiểm tra - Cải tiến). Vì thế nó đảm bảo tính tương thích tối đa với các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý phổ biến khác.

Ngoài ra, tiêu chuẩn ISO 50001 được sử dụng trên toàn cầu và được công nhận là hệ thống đáng tin cậy và hiệu quả để quản lý năng lượng và hiệu quả, từ đó có thể giúp nhiều doanh nghiệp cam kết về phát triển bền vững trong tương lai. Điển hình, châu Âu, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc và Vương quốc Anh là các quốc gia đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn này. Đồng thời, tiêu chuẩn ISO 50001 giúp doanh nghiệp đạt được nhiều lợi ích, có thể kể đến như:

Tạo được khuôn khổ để hỗ trợ cho việc quy định, thực hiện, vận hành và duy trì hệ thống quản lý năng lượng toàn diện, tạo thêm giá trị (cho khách hàng, các bên quan tâm và cho chính tổ chức), nhất quán và đồng bộ các hoạt động nhằm thỏa mãn các nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp.

Hỗ trợ cho lãnh đạo của tổ chức, doanh nghiệp trong việc quản lý và vận hành một cách nhất quán, có trách nhiệm đối với hoạt động quản lý, kiểm soát được các rủi ro có thể xảy ra.

Thúc đẩy việc áp dụng các thực hành tốt về năng lượng, tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thể tiếp cận, cải tiến các biện pháp kiểm soát phù hợp với bối cảnh cụ thể.

Bên cạnh đó, là tăng cường độ tin cậy trong công tác vận hành máy móc thiết bị, đặc biệt là những thiết bị sử dụng nhiều năng lượng.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường do các nỗ lực giảm việc sử dụng năng lượng hóa thạch.

Giảm phát thải khí nhà kính do giảm năng lượng sử dụng và tối ưu hóa nguồn năng lượng cũng như tận dụng nguồn năng lượng tái tạo. Từ đó giúp tạo lòng tin cho khách hàng, các đối tác kinh doanh về hệ thống quản lý năng lượng được tuân thủ, phù hợp tiêu chuẩn được thừa nhận quốc tế. Và cuối cùng là thỏa mãn được nhu cầu của xã hội về khía cạnh năng lượng, kể cả việc đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu của pháp luật đặc biệt là đối với các đơn vị thuộc Danh mục sử dụng năng lượng trọng điểm theo quyết định hàng năm của Thủ tướng Chính phủ từ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 158

Về trang trước Về đầu trang