Tiêu chuẩn ĐLCL
Công nghiệp hóa gắn liền bảo vệ môi trường: Hướng đi tất yếu cho phát triển bền vững (29/10/2024)
-   +   A-   A+   In  
Trước bối cảnh khan hiếm tài nguyên và biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa không thể tách rời với bảo vệ môi trường. Để thúc đẩy phát triển bền vững, Việt Nam cần có chiến lược cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường là trọng tâm của phát triển bền vững

Bảo vệ môi trường để hướng tới phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Trước những tác động sâu rộng của biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và dịch bệnh toàn cầu, đặc biệt là đại dịch COVID-19, cùng những thách thức về an ninh phi truyền thống, việc gắn kết bảo vệ môi trường với tăng trưởng kinh tế càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và thực thi chính sách bảo vệ môi trường vẫn gặp nhiều thách thức, vừa là động lực, vừa là rào cản cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới.

Công nghiệp ngày càng phát triển. Ảnh minh họa

Theo TS. Nguyễn Thị Cẩm Tú - Khoa Luật và Lý luận chính trị, Trường Đại học Thủy Lợi, bảo vệ môi trường là hành động không chỉ bảo vệ những gì đang vốn có của môi trường mà còn bảo vệ cả kết cấu của môi trường trước sự khai thác quá mức của con người nhằm đạt lợi nhuận kinh tế. Chính vì thế, một trong những chiến lược cho mục tiêu phát triển bền vững được đề cập đến là hành động bảo vệ môi trường của mọi quốc gia, mọi khu vực trên toàn thế giới. Nhận thức tầm quan trọng của mối liên hệ này, Đảng ta luôn đề cao bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, mối quan hệ lớn “Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội” được bổ sung thêm thành tố: “bảo vệ môi trường”; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2026 tiếp tục khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững…; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã bước đầu hưởng ứng và đi tiên phong trong sản xuất thân thiện với môi trường. Công ty Ajinomoto Việt Nam đầu tư hơn 100 tỷ đồng vào hệ thống xử lý nước thải, đạt tiêu chuẩn trong nước và những yêu cầu khắt khe của Tập đoàn Ajinomoto. 

Hay dây chuyền sản xuất bia tự động tại Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã và đang sử dụng các nguyên liệu và thiết bị thân thiện với môi trường. Một điển hình nữa là nhà máy Daikin Việt Nam đạt chứng nhận ISO 14001:2015 cho những nỗ lực nâng cao chất lượng quản lý và các tiêu chuẩn về môi trường theo chuẩn quốc tế.

Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều khu công nghiệp cũng đang từng bước chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Để phát huy hiệu quả của công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường, như thuế bảo vệ môi trường, Việt Nam cần rà soát đối tượng chịu thuế và xây dựng mức thuế hợp lý tương ứng với mức độ gây ô nhiễm. Đồng thời, nghiên cứu việc áp dụng thuế carbon, giúp kiểm soát lượng khí thải CO₂ phát sinh từ đốt nhiên liệu chứa carbon.

Việc triển khai các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14000 sẽ giúp Việt Nam kiểm soát ô nhiễm và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Các tiêu chuẩn này đòi hỏi sự đầu tư lớn và hỗ trợ từ chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện áp dụng và tuân thủ.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và xây dựng chính sách hiệu quả

TS. Nguyễn Thị Nga - Giảng viên Khoa Luật và Lý luận chính trị, Trường Đại học Thủy Lợi cho biết, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, mà đây là vấn đề có tính toàn cầu. Ở các nước đang phát triển, trong đó có nước ta đều phải đang tìm cách giải quyết bài toán về sự phát triển, làm thế nào để vừa đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà vẫn bảo vệ và cải thiện được môi trường tự nhiên vì sự phát triển bền vững, quả thật không đơn giản. Để làm được điều đó, theo chúng tôi, Việt Nam cần phải hướng vào giải quyết triệt để các vấn đề sau:

Một là, Việt Nam cần phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các điều ước và công ước quốc tế về bảo vệ môi trường Các điều ước và công ước quốc tế mà chúng ta đã tham dự như: Công ước về cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học, vi trùng và công việc tiêu hủy chúng; Công ước về buôn bán quốc tế về các giống loài động thực vật có nguy cơ bị đe dọa; Công ước của Liên Hợp quốc về sự biến đổi môi trường; Cam kết quốc tế về phổ biến và sử dụng thuốc diệt côn trùng, FAO; Công ước Viên về bảo vệ tầng ô-zôn; Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới chất thải độc hại và việc loại bỏ chúng; Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu; Công ước về Ða dạng sinh học. Cùng với việc nghiêm túc thực hiện đầy đủ các điều ước và công ước quốc tế, Nhà nước cần tăng cường các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, nhằm phòng ngừa, bảo vệ, cải thiện môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Hai là, đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực về môi trường cho các tổ chức cá nhân và mọi người dân để họ có thông tin, hiểu biết và thực hiện. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực về môi trường ở Việt Nam hiện nay sẽ góp phần tích cực hạn chế ô nhiễm môi trường giữa các nước, khuyến khích sản xuất và trao đổi sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc áp dụng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế về môi trường đang là thách thức to lớn đối với các nước kém phát triển, nơi đang thiếu nhiều điều kiện để thực hiện và áp dụng các hiệp định, công ước và tiêu chuẩn quốc tế về môi trường. Trong các tiêu chuẩn môi trường quốc tế phải kể đến hệ thống tiêu chuẩn ISO: 14000.

Đây là nội dung quan trọng nhất của ISO 14000 đối với các sản phẩm. Sản phẩm đưa ra thị trường phải an toàn đối với môi trường trong suốt toàn bộ "quá trình sống" của mình kể cả trước và sau quá trình sản xuất. Từ khâu khai thác nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất và chế biến, quá trình sử dụng và loại bỏ.

Ba là, tăng cường hợp tác với các quốc gia có chung đường biên giới. Sở dĩ phải tăng cường hợp tác với các quốc gia có chung đường biên giới là vì điều này sẽ giúp các bên có thể giải quyết hiệu quả vấn đề môi trường trên cơ sở đảm bảo lợi ích của mỗi quốc gia và kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới.

Những lĩnh vực cần được tăng cường hợp tác với các quốc gia trong thời gian tới như: Dự án quản lý tài nguyên nước, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường trên sông Mê Kông có liên quan đến các quốc gia Việt Nam - Lào - Campuchia - Thái Lan; quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên, các dự án về phát triển nông thôn, quy hoạch đô thị, phòng chống thiên tai. Đặc biệt là tăng cường hợp tác và xử lý các vấn đề liên quan đến quản lý ô nhiễm ở các khu công nghiệp, thuộc lưu vực các dòng sông lớn.

Bốn là, tăng cường học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước trong bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường tự nhiên nói riêng. Thực tế kinh nghiệm bảo vệ và cải thiện môi trường nói chung và môi trường tự nhiên nói riêng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đã cho thấy, cần phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường ngay từ đầu, ngay trong chiến lược, quy hoạch dự án đã phải tính đến các biện pháp bảo vệ môi trường. Các khu công nghiệp tập trung, các khu chế xuất, khu công nghệ cao ở các nước này đều có cơ sở hạ tầng, môi trường hoàn chỉnh bao gồm: Điện, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thu gom xử lý chất thải. Thụy Điển, Tây Ban Nha cũng là những quốc gia đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc đầu tư ngân sách để phát triển mạnh mẽ công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Tây Ban Nha là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Kinh nghiệm của Tây Ban Nha là sử dụng công nghệ hiện đại trong quản lý nguồn nước với 5 điểm hết sức quan trọng, như khi quy hoạch cần xem xét lợi ích của các vùng địa phương; sử dụng nước tiết kiệm; xem xét kỹ lưỡng việc tài trợ và nguồn tài trợ chính với nguyên tắc người sử dụng nước phải trả tiền; quản lý nghiêm túc và tin cậy với các cơ sở hạ tầng nước; có luật pháp chắc chắn đầy đủ để thực hiện các quyền về nước. Thiết nghĩ, đây là những kinh nghiệm quý mà Việt Nam có thể học hỏi để vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Ngoài ra, kinh nghiệm của Hàn Quốc với việc sử dụng công nghệ trong xử lý chất thải cũng tỏ ra rất hiệu quả mà Việt Nam có thể học hỏi. Hàn Quốc cũng đã giới thiệu và chia sẻ với Việt Nam về những công nghệ hữu ích trong bảo vệ môi trường, xử lý, tái chế chất thải rắn, coi chất thải rắn là một dạng tài nguyên có thể tái chế để sử dụng cho những mục đích khác; công nghệ trong xử lý nước thải sinh hoạt và công nghệ; công nghệ bãi chôn lấp rác, lò đốt rác v.v... đang được nhiều nước quan tâm, trong đó có Việt Nam. Đó là những công nghệ hiện đại, những kinh nghiệm quý mà Việt Nam có thể vận dụng và tăng cường chuyển giao công nghệ để xử lý và giải quyết các điểm nóng về môi trường đang diễn ra ở nước ta hiện nay.

TS. Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh: “Môi trường không có biên giới. Vì vậy, sự nghiệp bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường tự nhiên nói riêng phải gắn liền với sự nghiệp bảo vệ môi trường trên phạm vi thế giới. Bảo vệ môi trường tự nhiên ở nước ta liên quan và chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường khu vực và toàn cầu. Do vậy, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tự nhiên sẽ giúp chúng ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm, khắc phục được những khó khăn về tài chính, khoa học - công nghệ nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường tự nhiên có hiệu quả, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững”.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 249

Về trang trước Về đầu trang