Tiêu chuẩn ĐLCL
Hoạt động sản xuất chất chuẩn năm 2024: Thực trạng và giải pháp (11/10/2024)
-   +   A-   A+   In  
 Ngày 11/10, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tổ chức hội thảo chuyên môn tháng 10 chuyên đề 9: Hoạt động sản xuất chất chuẩn năm 2024.

Tham dự hội thảo có Quyền Chủ tịch Ủy ban - TS. Hà Minh Hiệp, đại diện các đơn vị trực thuộc Ủy ban tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chia sẻ về hoạt động sản xuất chất chuẩn năm 2024, ông Phạm Anh Tuấn – Phó trưởng phòng Phòng Đo lường Hóa lý – Mẫu chuẩn, Viện Đo lường Việt Nam cho biết, chất chuẩn (RM) được đính nghĩa là vật liệu, đủ đồng nhất và ổn định với các đặc tính quy định, được thiết lập phù hợp với việc sử dụng trong phép đo hoặc kiểm tra các đặc tính danh nghĩa.

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó trưởng phòng, Phòng Đo lường Hóa lý – Mẫu chuẩn, Viện Đo lường Việt Nam.

Chất chuẩn được chứng nhận (CRM) là chất chuẩn có kèm theo giấy chứng nhận được công bố bởi cơ quan có thẩm quyền và cung cấp một hay một số giá trị đặc tính xác định với độ không đảm bảo, tính liên kết chuẩn kèm theo và các thủ tục sử dụng phải còn hiệu lực.

Yêu cầu chung đối với sản xuất và chứng nhận chất chuẩn đó là tuân thủ theo các yêu cầu của ISO/IEC 17034 và ISO 33405; Giá trị chứng nhận của chất chuẩn được tiến hành theo quy trình có độ chính xác cao, bao gồm cả phương pháp chuẩn đầu (Primary methods); Liên kết chuẩn tới hệ đơn vị quốc tế SI; Tham gia các so sánh quốc tế (Key Comparision) để khẳng định độ tin cậy.

Tiêu chuẩn sử dụng trong chế tạo và chứng nhận chất chuẩn bao gồm: ISO 17034 & ISO 33401, 33403, 33405 chuẩn. Phương pháp sử dụng trong chuẩn bị và phân tích bao gồm: Các phương pháp chuẩn đầu chất chuẩn: Phương pháp khối lượng; Phương pháp phổ khối pha loãng đồng vị IDMS; Phương pháp chuẩn độ.

Các bước chính trong chế tạo và chứng nhận chất chuẩn: Thứ nhất, xác định sự ưu tiên và lựa chọn loại chất chuẩn cần chế tạo; Thứ hai, lựa chọn nguyên liệu gốc và phương pháp chế tạo; Thứ ba, chế tạo chất chuẩn; Thứ tư, chia vào các lọ nhỏ; Thứ năm, xác định giá trị nồng độ và kiểm tra độ đồng nhất; Thứ sáu, kiểm tra độ ổn định; Thứ bảy, chứng nhận chất chuẩn.

Xác định sự ưu tiên và lựa chọn loại chất chuẩn, căn cứ theo nhu cầu sử dụng: lựa chọn thành phần và nền (matrix) của chất chuẩn; So sánh các đặc trưng của chất chuẩn được lựa chọn với chất chuẩn (cùng loại) hiện có trên thị trường. Cần tham khảo: Catalogue của các nhà sản xuất; Ngân hàng dữ liệu về chất chuẩn COMAR (COMAR Data Bank); Các ấn phẩm hay bài giới thiệu, kiểm tra những lựa chọn tốt nhất về chất chuẩn trong lĩnh vực riêng nếu có trên thị trường; Có thể tiến hành bằng các khảo sát, câu hỏi, yêu cầu của khách hàng và thảo luận với các chuyên gia trong cùng lĩnh vực.

Về lựa chọn nguyên vật liệu gốc và phương pháp chế tạo, nguyên liệu dùng để chế tạo chất chuẩn là vật liệu nền chứa chất phân tích có nồng độ phù hợp và chất chuẩn tương ứng với độ tinh khiết cao. Tùy thuộc mục đích sử dụng cũng như độ tinh khiết của chất chuẩn có trên thị trường mà lựa chọn cho phù hợp (thường độ tinh khiết ≥ 99 %).

Phương pháp chế tạo chất chuẩn bao gồm; Vật liệu nền được chọn sau đó phân tích mức tự nhiên của các chất phân tích trong vật liệu nền, ở trường hợp hợp lý, sẽ xử lý vật liệu: Nghiền, tạo hạt, đồng nhất. Ở trường hợp mức thấp, cần pha thêm các chất phân tích sau đó xử lý vật liệu. Bước tiếp theo, đóng chai và ổn định hóa; chứng nhận (bao gồm kiểm tra độ đồng nhất); Đăng kí và kiểm tra độ ổn định.

Hội thảo công tác chuyên môn diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Về phương pháp xác định nồng độ, Tiểu ban tư vấn về chất lượng CCQM đã đưa ra các phương pháp được công nhận là phương pháp chuẩn đầu như sau: Phương pháp đo khối lượng; Phương pháp phổ khối pha loãng đồng vị (IDMS); Phương pháp chuẩn độ; Phương pháp đo điện lượng; Phương pháp xác định điểm đông đặc; Phương pháp phân tích hoạt hóa Nơtron (NAA).

Tại Viện Đo lường Việt Nam, đã nâng cấp PTN chế tạo chất chuẩn tại Hoà Lạc phù hợp yêu cầu của ISO 17034; Đã chuẩn bị trang thiết bị, dụng cụ phục vụ việc chế tạo các dung dịch chuẩn kim loại; Đã chuẩn bị HTCLtheo yêu cầu của ISO17034.

Hiện tại đang triển khai tiến hành chuẩn bị, chế tạo, đóng gói các dung dịch kim loại Cu, Pb, Cd, Ni, Zn tại phòng thí nghiệm Khu CNC Hoà Lạc; Phê duyệt thuyết minh của nhiệm vụ; Rà soát, hoàn thiện HTCL theo yêu cầu của ISO17034.

Trong thời gian tới, Viện sẽ tiến hành thực hiện theo các nội dung nhiệm vụ được phê duyệt; Chuẩn bị đánh giá công nhận PTN theo ISO 17034 đối với các tổ chức chế tạo và sản suất chất chuẩn; (Dự kiến) Tổ chức so sánh liên phòng với các đơn vị trong Ủy ban; (Dự kiến) Phối hợp các NMI khác chế tạo và chứng nhận CRMs kim loại (theo chương trình hợp tác); Nghiên cứu, phổ biến các CRMs ra thị trường.

Ông Tuấn cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất chất chuẩn, về trang thiết bị được đầu tư còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là các trang thiết bị phục vụ việc chế tạo chất chuẩn; Khó khăn chung gặp phải trong thực hiện gói thầu mua sắm hóa chất; Tham gia các chương trình so sánh quốc tế.

Ông cũng đề xuất một số kiến nghị như tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống trang thiết bị đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển chất chuẩn tại Việt Nam phù hợp mục tiêu “Nghiên cứu, sản xuất chất chuẩn” trong nhiệm vụ “Tăng cường phát triển hạ tầng đo lường Quốc gia” theo QĐ số 82/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 996 của Thủ tướng Chính phủ; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc phối hợp chế tạo chất chuẩn, hoặc chuyển giao công nghệ; Tăng cường hợp tác nghiên cứu, chế tạo và chứng nhận chất chuẩn giữa các đơn vị trong UB/ hoặc các đơn vị có tiềm lực bên ngoài.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 273

Về trang trước Về đầu trang