Tập đoàn Pro-Tech Industrial (Trung Quốc) sẽ đầu tư một dự án tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 với nhiều thiết bị tự động.
Công nghệ hiện đại, tự động hóa cao
Tập đoàn Pro-Tech Industrial Co., Ltd (Trung Quốc) có bề dày lịch sử 20 năm, chuyên sản xuất, phân phối các thiết bị vệ sinh cao cấp cung ứng cho các quốc gia trên thế giới. Đầu năm 2024, Tập đoàn này quyết định đầu tư vào Việt Nam, xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị vệ sinh cao cấp tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX.Phú Mỹ) với tổng vốn đầu tư gần 437 tỷ đồng.
Theo ông SHE ZHONGBO, Phó Tổng Giám đốc Pro-Tech Industrial VIETNAM, dự án xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị vệ sinh cao cấp của Pro-Tech Industrial VIETNAM đang xin chủ trương đầu tư. Tập đoàn Pro-Tech cam kết xây dựng nhà máy thông minh bằng cách tích hợp tiêu chuẩn hóa và tự động hóa vào nền tảng số hóa để đảm bảo mọi quy trình tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, chứng nhận an toàn CSA của Hiệp hội tiêu chuẩn Canada và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA).
Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của Tập đoàn Hyosung ở KCN Cái Mép (TX.Phú Mỹ).
Sở KH-CN đánh giá công nghệ đầu tư nhà máy thuộc công nghệ tiên tiến, hiện đại, có mức độ cơ khí hóa và tự động hóa của dây chuyền công nghệ sản xuất trung bình trên 80% cho toàn nhà máy và thẩm định thông qua về công nghệ đạt yêu cầu, chủ trương đầu tư của tỉnh.
Chú trọng bảo vệ môi trường
Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo, ưu tiên các dự án lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, sạch, tiết kiệm…
Từ năm 2022 đến nay, Sở KH-CN đã thực hiện thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trước khi quyết định chủ trương đầu tư đối với 71 dự án đầu tư. Theo hồ sơ, công nghệ của các dự án không thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và danh mục công nghệ cấm chuyển giao theo Nghị định số 76/2018/NĐ-CP. Chủ đầu tư cam kết đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, máy móc, dây chuyền công nghệ mới 100%, mức độ tự động hóa cao, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo đảm sản xuất an toàn và hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Công ty Baseafood đầu tư dây chuyền công nghệ đông lạnh nhanh trị giá 20 tỷ đồng trong năm 2023 để tăng sản lượng và chất lượng hàng xuất khẩu.
“Việc thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ góp phần kịp thời ngăn chặn các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ không bảo đảm quy định, tiêu tốn nhiều năng lượng, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, gây nguy cơ tác động xấu đến môi trường”, ông Trần Duy Tâm Thanh thông tin.
Đối với các dự án đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức rà soát, đánh giá công nghệ, thiết bị sản xuất và công trình bảo vệ môi trường của các nhà máy thuộc các ngành, lĩnh vực sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Từ đó, làm cơ sở yêu cầu các DN, nhà máy cải tạo, thay thế, đầu tư đổi mới dây chuyền, thiết bị công nghệ bảo đảm quy định, chủ động kiểm soát được quá trình vận hành và bảo vệ môi trường.
“Hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh cũng được quản lý chặt, chủ yếu thông qua các hợp đồng nhập khẩu dây chuyền thiết bị công nghệ giữa các DN trong nước và nhà cung cấp nước ngoài. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã cấp 8 giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho 7 DN. Tổng giá trị chuyển giao theo hợp đồng đăng ký chuyển giao tương đương 2.149 tỷ đồng. Đối tượng được chuyển giao là bí quyết kỹ thuật, công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp, công thức, chuyển giao quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp…”
Cụ thể, Sở KH-CN đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai kế hoạch rà soát, đánh giá dây chuyền thiết bị, công nghệ sản xuất và công trình bảo vệ môi trường của 7 nhà máy xử lý chất thải trong khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên và 13 nhà máy luyện cán thép trên địa bàn tỉnh.