Mục tiêu chung của chương trình nhằm chủ động tận dụng có hiệu quả các cơ hội của CMCN 4.0; cơ bản làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong lĩnh năng lượng; từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới trong lĩnh vực năng lượng; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và sức khỏe của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ quá trình ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 với công tác bảo vệ an ninh năng lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành năng lượng được tổ chức khoa học thống nhất với bộ cơ sở dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế, đầy đủ, kịp thời, nhất quán, được cập nhật thường xuyên, được quản lý và vận hành bởi đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp, dựa trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, nhằm đảm bảo đầu ra của hệ thống đủ chất lượng để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của các hoạt động quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đối với ngành năng lượng.
Đẩy mạnh áp dụng thành tựu công ngệ của cuộc CMCN 4.0 để đảm bảo an ninh năng lượng (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Trang tin ngành điện)
Đẩy mạnh các giải pháp về khoa học và công nghệ
Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp bao gồm việcđảm bảo an ninh năng lượng; phát triển khoa học và công nghệ; thúc đẩy hoàn thiện cơ chế, chính sách và đầu tư tài chính; cũng như đào tạo phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
Trong đó, đối với giải pháp về khoa học và công nghệ cần xây dựng và và quản lý vận hành các hệ thống sản xuất thông minh và số hoá: các máy móc thiết bị, cảm biến, robot, dữ liệu (từ các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như từ các nhà cung cấp và khách hàng), nguồn nhân lực kết nối với nhau qua mạng internet, từ đó có thể thực hiện các quy trình thông minh và hiệu quả trong sản xuất giúp cho mọi hoạt động được tối ưu hoá, giảm sự can thiệp của con người, với độ tin cậy cao, quy trình sản xuất được minh bạch từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, từ nhà máy đến chuỗi cung ứng, quá trình phân phối, trải nghiệm người dùng.
Đồng thời, định hướng ứng dụng mô hình chuyển đổi số doanh nghiệp với mục tiêu xây dựng các doanh nghiệp năng lượng cơ bản hoàn thành chuyển đổi số. Theo đó chuyển đổi hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp năng lượng trên nền tảng số, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu sổ để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong các doanh nghiệp năng lượng; Rà soát các quy định, quy trình trong các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp để xem xét sửa đổi, ban hành mới phù hợp với chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0.
Thống nhất chuẩn hóa, đồng bộ các quy trình hoạt động của doanh nghiệp làm cơ sở phục vụ công tác chuyển đổi số đồng nhất từ các đơn vị trong doanh nghiệp; Xây dựng nền tảng và kiến trúc công nghệ thông tin, hệ sinh thái số linh hoạt, tăng cường khai thác tối đa các dịch vụ, dữ liệu dùng chung để đẩy nhanh quá trình xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi sổ trong doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp chủ động xây dựng Trung tâm dữ liệu tập trung trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing), thực hiện kết nối trực tuyến thông suốt với các hệ thống của các đơn vị trong doanh nghiệp mình; Nghiên cứu các công nghệ số mới và đưa vào áp dụng trong thực tiễn, nâng cấp các hệ thống dùng chung hiện có để phù hợp với các nền tảng công nghệ mới đảm bảo hỗ trợ khả năng linh hoạt, tích hợp và chia sẻ thông tin, trợ giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ. Đầu tư đúng mức và có trọng điểm cho các nhiệm vụ khoa học kỹ thuật và công nghệ phục vụ hoạch định đường lối, chính sách phát triển toàn diện trong lĩnh vực năng lượng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung triển khai ứng dụng, phát triển công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm có khả năng ứng dụng cao, có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, gắn với nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển của ngành năng lượng.
Xem chi tiết:tại đây