Tin KHCN trong tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu cần có khu khoa học công nghệ biển (25/08/2024)
-   +   A-   A+   In  

Với định hướng phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, việc đầu tư phát triển một khu KH-CN biển đã trở thành yêu cầu cấp bách hiện nay.

Khu KH-CN biển sau khi được xây dựng sẽ là hạt nhân để tỉnh phát triển trung tâm kinh tế biển quốc gia.  Trong ảnh: Cảng Bến Đầm, Côn Đảo.

Khu KH-CN biển sau khi được xây dựng sẽ là hạt nhân để tỉnh phát triển trung tâm kinh tế biển quốc gia. Trong ảnh: Cảng Bến Đầm, Côn Đảo.

Yêu cầu cấp bách

Tại hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia về việc xác định quy mô, loại hình, mục tiêu của Dự án Khu Khoa học và Công nghệ biển tại phường 12, TP.Vũng Tàu do Sở KH-CN tổ chức ngày 24/8, ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, ngày 5/7/2024 UBND tỉnh có văn bản giao Sở KH-CN chủ trì phối hợp với các viện, trường đại học, sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xác định lại quy mô, loại hình, mục tiêu, phương án đầu tư của Dự án Khu KH-CN biển sao cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Quyết định 1629/QĐ-TTg ngày 16/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, dự án Khu KH-CN biển được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho xây dựng vào năm 2019 có quy mô diện tích 10,23ha tại khu vực cầu Cỏ May, phường 12, TP.Vũng Tàu. Khu KH-CN biển có các khu chức năng chính: Khu Hải dương học; Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, triển khai thực nghiệm và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Khu Khám phá KH-CN; Khu Bảo tồn sinh thái tự nhiên rừng ngập mặn và các công trình phụ trợ liên quan.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 723 tỷ đồng. Ngày 8/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định Dự án Khu KH-CN biển tại phường 12, TP.Vũng Tàu thuộc Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2030, nguồn vốn xã hội hóa.

TS.Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh cho rằng, để Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia bền vững theo định hướng phát triển của Chính phủ thì việc đầu tư phát triển KH-CN biển là yêu cầu cấp bách hiện nay. Xây dựng và phát triển Khu KH-CN biển sẽ là tiền đề, cơ sở để thu hút nhân tài và kết nối nghiên cứu, đào tạo giữa các trường, viện trong tỉnh với các tỉnh, thành trong khu vực và DN sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng như liên kết với nước ngoài. Như thế, việc xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực là việc làm cần thiết trước mắt.

“Xây dựng Khu KH-CN biển phải trên quy mô định hướng phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Khu KH-CN nằm trong khu vực sau này sẽ hình thành một tổ hợp tác các viện nghiên cứu, trung tâm và DN khoa học tạo ra các sản phẩm mới giúp cho tỉnh đổi mới, đi lên từ sáng tạo KH-CN. Đó là bước đi của kinh tế tri thức cho phát triển bền vững trong tương lai”, TS Trương Công Thành phân tích.

Tầm vóc quốc tế

Tại hội thảo, các chuyên gia đã góp ý về tên gọi, loại hình, mục tiêu, nguồn đầu tư, định hướng phát triển cho dự án KH-CN biển phù hợp định hướng của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế vượt trội phát triển kinh tế biển. Nhờ khai thác tốt lợi thế chiều dài hơn 300km bờ biển và sự đầu tư phát triển đúng hướng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua đã trở thành một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước với sản lượng hải sản khai thác hơn 350 ngàn tấn/năm. Ngành thủy sản của tỉnh đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời kỳ 2011-2020, ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất và có đóng góp lớn nhất giá trị trong nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 66,6% và 7,7% GRDP của tỉnh.

Dự án Khu KH-CN biển được Sở KH-CN đề xuất xây dựng trên cơ sở Biên bản thỏa thuận giữa Vùng Đô thị đại dương Brest, Cộng hòa Pháp và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 5/10/2011, nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đây là dự án có vốn đầu tư lớn về nhân lực, vật lực và cũng là loại công trình đầu tiên, cả nước chưa có tỉnh nào đầu tư hoàn thành nên tháng 3/2024 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chuyển dự án sang Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2030.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có cơ sở vật chất, hệ thống logictics, cảng biển lớn, hiện đại, lại nằm ở “mặt tiền phía Đông” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Vùng động lực kinh tế lớn nhất cả nước. Và Khu KH-CN biển sau khi được xây dựng sẽ là hạt nhân để tỉnh phát triển trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Viện phát triển Kinh tế số Việt Nam đề xuất, về loại hình nên phát triển Khu KH-CN biển như một khu công nghệ cao đặc biệt, giống mô hình “Thung lũng Silicon” của Mỹ với mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu công nghệ cao về biển tầm cỡ khu vực và quốc tế. Khu KH-CN biển nên ưu tiên nghiên cứu, phát triển công nghiệp công nghệ số - xương sống nền kinh tế số của tỉnh, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ theo hướng ứng dụng thực tế và hỗ trợ khởi nghiệp theo chiều sâu.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 725

Về trang trước Về đầu trang