Tin KHCN trong nước
Xây dựng mạng lưới chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài (29/06/2015)
-   +   A-   A+   In  

Được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, từ ngày 24-26/6/2015, tại Quảng Ninh, Ban quản lý Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu và phát triển (FIRST) (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo quốc tế “Xây dựng mạng lưới chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội thảo

 

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh; ông Nguyễn Phú Bình- nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN); ông Trần Quốc Thắng- Giám đốc Ban quản lý Dự án FIRST; và đặc biệt là sự tham gia của 12 chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài (đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Anh, Australia, New zealand, Singapore..), đại diện Ngân hàng Thế giới, đại diện của Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài và các Bộ ngành có liên quan của Việt Nam.

 

Theo các số liệu thống kê, trong số gần 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), có trên 400.000 người có trình độ đại học trở lên. Rất nhiều trong số họ là các chuyên gia giỏi thuộc các lĩnh vực khác nhau đang làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc các công ty quan trọng ở nước ngoài. Nhiều người được các nước tôn vinh vì sự cống hiến quan trọng cho phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo. Tính trung bình, hàng năm có tới trên dưới 200 nhà khoa học NVNONN về nước tham gia giảng dạy, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu chung cũng như thực hiện chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư phát triển doanh nghiệp. Đây là nguồn chất xám rất đáng kể và quý báu của đất nước nếu được thu hút, phát huy thích đáng phục vụ phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo nói riêng và phát triển KT-XH của đất nước nói chung, đưa KH&CN Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế trên một số lĩnh vực trọng điểm.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Tại hội thảo, Giáo sư Nguyễn Phú Bình- Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao sẽ đưa ra những nét chính về tầm quan trọng của việc kết nối nhằm huy động nguồn sức mạnh này. Giáo sư Ngô Bảo Châu có bài tham luận trực tuyến về “Cộng đồng chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài: Tầm nhìn và cách tiếp cận đối với việc xây dựng, phát triển bền vững Mạng chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài” và TGĐ Serafina Maiorano Mạng chuyên gia Úc (Advance), TGĐ Craig Donaldson mạng chuyên gia New Zealand (Kea) sẽ trực tiếp chia sẻ thành công, khó khăn, vướng mắc khi thực thi mạng lưới chuyên gia của họ. Ngoài ra, Hội thảo cũng lắng nghe những chia sẻ về nhu cầu nhận được và các ý kiến ý kiến đóng góp rất tâm huyết của GS.TS Trương Nguyện Thành- ĐH Utah (Mỹ), GS Hồ Tú Bảo- Viện KH&CN tiên tiến Nhật Bản (JAIST), PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình- Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội điện tử - viễn thông Việt Nam, ...

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh khẳng định: Việc thu hút và phát huy nguồn trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng đất nước đã được thể hiện nhất quán trong các chủ trương đường lối của Đảng. Nhiều chính sách nhằm xây dựng cơ chế đãi ngộ và môi trường thông thoáng để trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trở về quên hương làm việc. Tuy nhiên, công tác phát huy nguồn lực chất xám người Việt Nam đến nay còn gặp nhiều hạn chế, các chính sách chưa đạt được kết quả như mong đợi. Tính trung bình hàng năm có khoảng 200 trí thức kiều bào trở về hợp tác với các cá nhân, tổ chức trong nước, đóng góp cho quê hương. Đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng của 400.000 trí thức trong tổng số gần 4 triệu người Việt Nam đang sống và làm việc xa quê hương. Ngoài ra, thực tế cho thấy, các công cụ tra cứu, các nguồn dữ liệu trao đổi thông tin hiện nay còn khá sơ sài khiến các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài gặp nhiều trở ngại trong việc nắm bắt, tìm hiểu tình hình trong nước cũng như các tổ chức khoa học, doanh nghiệp trong nước chưa thể tiếp cận các chuyên gia nước ngoài một cách có hệ thống. Thực trạng này đòi hỏi nhu cầu cấp thiết về việc xây dựng các mô hình hợp tác hiệu quả, các phương thức kết nối thông tin chuyên sâu.

 

Hội thảo mang một ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giữa các nhà khoa học Việt Nam, các trí thức Việt Nam ở nước ngoài, với những người bạn nước ngoài làm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học với thực tế cuộc sống trong nước. Hội thảo kỳ vọng sẽ đưa ra được những ý tưởng đầu tiên trong việc kết nối nguồn tri thức người Việt ở nước ngoài với cộng đồng và thực tế cuộc sống trong nước. Những ý kiến chia sẻ, đóng góp cùng các trao đổi thảo luận tại hội thảo sẽ là những căn cứ để các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút trí thức kiều bào, chuyên gia người Việt giỏi về nước làm việc.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 9751

Về trang trước Về đầu trang