Tiêu chuẩn ĐLCL
Tiêu chuẩn Better Work - nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (15/07/2024)
-   +   A-   A+   In  
Better Work được thiết kế phù hợp với mọi tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, da giày với mọi quy mô. Việc áp dụng tiêu chuẩn Better Work mang lại nhiều lợi ích.

Tiêu chuẩn Better Work là một chương trình phối hợp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) nhằm cải thiện điều kiện làm việc, tôn trọng quyền lao động của người lao động và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành may mặc và da giày.

Tại Việt Nam, Better Work được triển khai từ năm 2009 và nằm trong Chương trình Việc làm tốt hơn toàn cầu (BWG). Mục tiêu của chương trình là cải thiện sự tuân thủ tiêu chuẩn lao động dựa trên Luật Lao động Quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu, mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành may mặc và da giày.

Chương trình Better Work được thiết kế phù hợp với mọi tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, da giày. Ảnh minh họa.

Các báo cáo đánh giá của Better Work Việt Nam qua nhiều năm cho thấy, doanh nghiệp đã cải thiện mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO và pháp luật lao động quốc gia về tiền lương, hợp đồng lao động, an toàn, sức khỏe lao động và thời giờ làm việc... Điều này không chỉ giúp cải thiện đáng kể điều kiện làm việc mà đồng thời còn nâng cao năng suất và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chương trình Better Work được thiết kế phù hợp với mọi tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, da giày với mọi quy mô. Việc áp dụng tiêu chuẩn Better Work mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Trước tiên, về mặt quản lý doanh nghiệp, Better Work giúp doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc theo hướng an toàn, khoa học, tiên tiến; củng cố mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động; thu hút nguồn lao động chất lượng và gắn bó lâu dài; hạn chế các tai nạn, rủi ro trong quá trình làm việc;…

Về mặt kinh tế, Better Work giúp nâng cao hiệu quả công việc; giảm thiểu các thiệt hại, tổn thất do điều kiện lao động không đảm bảo; giảm bớt các cuộc kiểm tra, đánh giá về môi trường làm việc;…

Về mặt thị trường, áp dụng tiêu chuẩn Better Work giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn lao động quốc tế và các yêu cầu pháp lý quốc gia về điều kiện lao động; nâng cao uy tín và danh tiếng thương hiệu; nâng cao khả năng cạnh tranh; mở ra cơ hội hợp tác và kinh doanh mới;…

Giám đốc ILO tại Việt Nam - bà Ingrid Christensen cho rằng: "Hiệu quả của Chương trình Better Work Việt Nam đã chứng minh việc thúc đẩy đối thoại xã hội và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại nơi làm việc chính là yếu tố then chốt để cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập cho hàng trăm nghìn người lao động trong ngành may mặc và da giày".

Trong giai đoạn 2023-2027, ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận, Chương trình Better Work Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại các địa bàn mới và một số ngành khác. Đây là quyết định sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về tác động của việc mở rộng cũng như cách thức tác động của Chương trình trong thời gian tới.

Chương trình cũng sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề ưu tiên, bao gồm đối thoại xã hội, bình đẳng giới, phát triển bao trùm, an toàn sức khỏe nghề nghiệp, dữ liệu và thông tin. Chương trình sẽ thông qua đối tác để thúc đẩy các khía cạnh lao động liên quan đến vấn đề biển đối khí hậu, năng suất và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 241

Về trang trước Về đầu trang