Tin KHCN trong nước
Khoa học công nghệ: Động lực cho ngành nông nghiệp tăng năng suất và sức cạnh tranh (09/07/2024)
-   +   A-   A+   In  

Khoa học công nghệ (KHCN) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong đó có ngành nông nghiệp. Những ứng dụng và thành tựu của KHCN giúp nâng cao năng suất tăng cường sức cạnh tranh của nông sản Việt.

Sự đóng góp của KHCN trong ngành nông nghiệp

KHCN đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, đến công nghệ sau thu hoạch. Những ứng dụng này đã thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Việc chuyển giao KHCN đã giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Áp dụng KHCN trong lĩnh vực chăn nuôi nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 3 năm giai đoạn 2021-2023 đạt 3,35%/năm, tăng so với mức 2,62%/năm của giai đoạn 2016-2020. Sự đóng góp của KHCN là không thể thiếu, giúp nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2023 lên 154,8 tỷ USD, cao hơn so với mức 36,63 tỷ USD/năm của giai đoạn trước.

Nhờ vào công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, việc tạo ra giống lúa mới đã trở nên hiệu quả hơn. Hiện nay, các nhà khoa học chỉ cần 30-50 tổ hợp lai để chọn tạo ra một giống lúa mới, so với khoảng 100 tổ hợp lai như trước đây. Điều này giúp rút ngắn thời gian chọn giống xuống còn khoảng 5 năm, đồng thời đáp ứng các yêu cầu quan trọng như năng suất cao, chất lượng gạo ngon, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và thích ứng rộng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y, giai đoạn 2013 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận 42 giống vật nuôi mới, 23 tiến bộ kỹ thuật và 19 giải pháp sáng chế. Hiện nay, có 54 giống vật nuôi năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất, bao gồm 11 giống mới, 12 giống ngoại nhập và 31 giống lai tạo. Sự thành công trong nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất tinh đông lạnh gia súc, quy trình gây động dục và thụ tinh nhân tạo cho trâu bò, cũng như sản xuất tinh trâu bò đông lạnh dạng cọng rạ đảm bảo chất lượng tốt đã nâng cao trình độ của các nhà khoa học trong nước.

Việc xuất khẩu vacxin dịch tả lợn châu Phi "Made in Vietnam" sang 5 quốc gia bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar là một niềm tự hào lớn của ngành chăn nuôi nước nhà.

Lĩnh vực thủy sản đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ áp dụng KHCN. Nhiều giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá chim vây vàng, cá nhụ, cá chiên, cá lăng, chạch chấu, hải sâm, ốc hương và các giống cá nước lạnh đã được sinh sản nhân tạo thành công và làm chủ công nghệ nuôi. Giai đoạn 2016 - 2023, có 22 giống mới, 28 tiến bộ kỹ thuật, 13 sáng chế và 14 quy trình, giải pháp hữu ích đã được công nhận. Ngành thủy sản đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 4,5 - 5%, hướng tới giảm đánh bắt và tăng nuôi trồng.

Lâm nghiệp cũng là một điểm sáng trong hoạt động ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Trong thời gian qua, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã có 78 giống cây trồng, 35 tiến bộ kỹ thuật, 11 sáng chế và các giải pháp hữu ích được công nhận. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận 11 tiến bộ kỹ thuật về lâm sinh và đang triển khai xây dựng 11 tiến bộ kỹ thuật mới. Các giống cây trồng như keo BV16, BV523, keo lai, bạch đàn uro, bạch đàn pellita đã được trồng rộng rãi trên cả nước, đạt năng suất cao.

Thách thức và khuyến nghị

GS.TS Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viên Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, Global GAP ngày càng được phổ biến và mang lại hiệu quả cao, sản xuất ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Tuy nhiên, sản phẩm khoa học công nghệ nhiều nhưng tính ứng dụng chưa cao, cơ sở vật chất, học liệu chưa đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của thực tế sản xuất.

PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm từ việc vận hành Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo rau, hoa, quả, giúp kết nối sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi, thương mại hóa các công nghệ về nhân giống và chế biến sản phẩm.

Theo đó, câu lạc bộ đã giúp hỗ trợ, kết nối người sản xuất và người tiêu thụ, giữa nhà khoa học và nông dân; hỗ trợ các đơn vị kết nối sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi, thương mại hóa các công nghệ về nhân giống và chế biến sản phẩm.

Điển hình như thương mại hóa công nghệ giống và sản phẩm sen tại Đồng Tháp; công nghệ làm mát coolbot cho rau củ quả, công nghệ sơ chế rau củ; mô hình sản xuất VietGAP và công nghệ blockchain.

Nghiên cứu chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị gắn liền với hoạt động đổi mới sáng tạo cho ngành trồng trọt, PGS.TS Đào Thế Anh cho rằng cần gắn liền hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật với vùng sản xuất, đối tượng nông dân cụ thể của đơn vị.

“Cần hình thành, duy trì mạng lưới các khách hàng, nông dân, doanh nghiệp đối tác, các nhà khoa học của đơn vị và duy trì tương tác. Bên cạnh việc phân bổ nguồn lực và tìm kiếm phương án tài chính phù hợp, đặc biệt cần đề xuất thí điểm xây dựng mô hình mẫu tại các đơn vị có chức năng chuyển giao, hoạt động dịch vụ của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam”, PGS.TS Đào Thế Anh khuyến nghị.

Việc đưa các sản phẩm khoa học công nghệ vào thị trường đòi hỏi có mạng lưới tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm, cần có vai trò của các doanh nghiệp rất lớn. Vì vậy, các cán bộ quản lý của các đơn vị sự nghiệp khoa học thực hiện cơ chế tự chủ hiện nay thường thiếu năng lực và kinh nghiệm trong điều hành, quản lý đơn vị theo chế độ hạch toán kinh doanh.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 345

Về trang trước Về đầu trang