Tiêu chuẩn ĐLCL
Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và giám sát kỹ thuật kho chứa nổi (03/07/2024)
-   +   A-   A+   In  
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 23/2024/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và giám sát kỹ thuật kho chứa nổi.

Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và giám sát kỹ thuật kho chứa nổi. Ảnh: ST

Thông tư số 23/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2025. Bãi bỏ khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2014/TT-BGTVT ngày 07 tháng 04 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phân cấp và giám sát kỹ thuật hệ thống đường ống biển và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và giám sát kỹ thuật kho chứa nổi.

Ban hành kèm theo Thông tư này là QCVN 70:2024/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và giám sát kỹ thuật kho chứa nổi thay thế QCVN 70:2014/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, QCVN 70:2024/BGTVT đưa ra các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và quản lý đối với các kho chứa nổi sử dụng trong hoạt động dầu khí trên vùng biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quy chuẩn này, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là kiểm tra), thiết kế, chế tạo mới, hoán cải, sửa chữa và vận hành, khai thác kho chứa nổi.

Về phân cấp và giám sát kỹ thuật QCVN 70:2024/TT-BGTVT quy định, tất cả các kho chứa nổi thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại Điều 1, Phần I phải được phân cấp và giám sát kỹ thuật phù hợp với các quy định của Quy chuẩn này. Việc phân cấp và giám sát kỹ thuật kho chứa nổi được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Chủ kho chứa nổi có thể yêu cầu phân cấp lại cho kho chứa nổi đã bị rút cấp. Cấp của kho chứa nổi sẽ được Đăng kiểm quyết định sau khi kiểm tra trạng thái kỹ thuật hiện tại và những đặc điểm của kho chứa nổi và thiết bị vào thời điểm kho chứa nổi bị rút cấp.

Về nguyên tắc giám sát kỹ thuật, phương pháp giám sát chính: Đăng kiểm thực hiện việc giám sát theo những trình tự được quy định trong Quy chuẩn này và các hướng dẫn liên quan, đồng thời tiến hành kiểm tra đột xuất bất cứ hạng mục nào phù hợp với Quy chuẩn này.

Để thực hiện công tác giám sát, chủ kho chứa nổi, các cơ sở chế tạo kho chứa nổi và vật liệu, sản phẩm, thiết bị lắp đặt trên kho chứa nổi, cơ sở hoán cải, sửa chữa kho chứa nổi phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Đăng kiểm tiến hành kiểm tra, thử nghiệm vật liệu và các sản phẩm chịu sự giám sát của Đăng kiểm, kể cả việc đăng kiểm viên được đi đến tất cả những nơi sản xuất, thử nghiệm vật liệu và chế tạo các sản phẩm đó.

Các cơ sở thiết kế, chủ kho chứa nổi, các cơ sở chế tạo kho chứa nổi và vật liệu, sản phẩm, thiết bị lắp đặt trên kho chứa nổi, cơ sở hoán cải, sửa chữa kho chứa nổi phải thực hiện các yêu cầu của Quy chuẩn này khi Đăng kiểm thực hiện công tác giám sát kỹ thuật.

Hoạt động giám sát kỹ thuật của Đăng kiểm không làm thay đổi công việc cũng như không thay cho trách nhiệm của các tổ chức kiểm tra kỹ thuật, chất lượng của chủ kho chứa nổi, cơ sở chế tạo, hoán cải, sửa chữa kho chứa nổi, chế tạo vật liệu, máy và trang thiết bị lắp đặt trên kho chứa nổi. Thẩm định thiết kế sẽ được Đăng kiểm thực hiện dựa trên các thông số, dữ liệu do Chủ kho chứa nổi, cơ sở thiết kế cung cấp. Chủ kho chứa nổi, cơ sở thiết kế phải đảm bảo các giả thuyết, phương pháp đưa ra là phù hợp với quy định, các thông số, dữ liệu thu thập đưa vào tính toán phải đảm bảo tính chính xác và thể hiện tình trạng thực tế của kho chứa nổi tại thời điểm đánh giá.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 456

Về trang trước Về đầu trang