Tiêu chuẩn ĐLCL
Thúc đẩy hợp tác với UNIDO về sản xuất chất chuẩn (21/06/2024)
-   +   A-   A+   In  
Trước nhu cầu sử dụng chất chuẩn của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp…, Dự án "Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của chuỗi giá trị trái cây nhiệt đới tại Việt Nam" đề xuất phối hợp Vụ Đo lường, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thực hiện nghiên cứu đánh giá nhu cầu và năng lực sản xuất trong nước về chất chuẩn trong ngành thực phẩm, trong đó đặc biệt chú trọng đến hiệu quả kinh tế của việc sản xuất chất chuẩn trong nước.

Ngày 20/6/2024, TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Quốc gia đã tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia Dự án "Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của chuỗi giá trị trái cây nhiệt đới tại Việt Nam" (viết tắt là GQSP Việt Nam) của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) do ông Nima Bahramalian, Giám đốc Dự án làm Trưởng đoàn. 

Tham dự buổi làm việc, về phía Uỷ ban TCĐLCL Quốc gia còn có ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường, đại diện Viện Đo lường và Vụ Hợp tác quốc tế.

Quyền Chủ tịch Uỷ ban TCĐLCL Quốc gia Hà Minh Hiệp và ông Nima Bahramalian, Giám đốc Dự án GQSP của UNIDO.

Dự án GQSP Việt Nam là một phần của Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng Toàn cầu (GQSP) do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thực hiện và được Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). Dự án là cách tiếp cận có hệ thống nhằm tăng cường năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng nhằm tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một trong các mục tiêu chính của Dự án là cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để duy trì sự ổn định và phát triển năng lực kỹ thuật đo lường của các viện đo lường trong nước thông qua đảm bảo chuẩn đo lường trong hoá học. Chuẩn đo lường trong hóa học (còn gọi là chất chuẩn) là cơ sở kỹ thuật quan trọng nhất giúp đảm bảo tính thống nhất, độ chính xác và tính tin cậy của tất cả phép đo cũng như tính liên kết chuẩn cần thiết trong đo lường hóa học trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, chất chuẩn cũng được sử dụng để chứng minh tính đúng đắn của kết quả đo; hiệu chuẩn, kiểm định các thiết bị đo trong phân tích hóa học; đánh giá phương pháp và kiểm tra tay nghề của các phòng thí nghiệm.

Uỷ ban TCĐLCL Quốc gia làm việc với đoàn chuyên gia Dự án GQSP về hợp tác đánh giá nhu cầu và năng lực sản xuất chất chuẩn trong nước.

Trước nhu cầu sử dụng chất chuẩn của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… ngày càng lớn, Dự án đề xuất phối hợp với Vụ Đo lường, Uỷ ban TCĐLCL Quốc gia thực hiện nghiên cứu đánh giá nhu cầu và năng lực sản xuất trong nước về chất chuẩn trong ngành thực phẩm, trong đó đặc biệt chú trọng đến hiệu quả kinh tế của việc sản xuất chất chuẩn trong nước. Từ đó, nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị chính sách và định hướng phát triển chất chuẩn cho Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Uỷ ban TCĐLCL Quốc gia và Dự án GQSP Việt Nam đã thảo luận, thống nhất về nguyên tắc nội dung triển khai tiến hành hợp tác nghiên cứu trên.

 

Nguồn: vietq.vn