Tiêu chuẩn ĐLCL
Sửa quy định về đánh giá sự phù hợp: 2 phương án đề xuất và đánh giá tác động (24/06/2024)
-   +   A-   A+   In  
Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP theo nội dung cắt giảm, đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP tập trung vào các nhóm chính sách lớn. Mỗi nhóm chính sách sẽ bao gồm các chính sách hoặc bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, hoặc đề xuất giải pháp, chính sách mới.

Chính sách đầu tiên là sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP theo nội dung cắt giảm, đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023 và tình hình triển khai thực tế hiện nay.

Xác định vấn đề bất cập

Triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, rà soát, kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có phương án đơn giản hóa một số điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Căn cứ đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 587/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có phương án đơn giản hóa một số điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và lộ trình thực hiện phương án đơn giản hóa từ năm 2023-2024. Ngoài các nội dung cắt giảm, đơn giản hóa đã được phê duyệt tại Quyết định số 587/QĐ-TTg, qua tình hình triển khai thực tế hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy việc quy định tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận phải nộp toàn bộ hệ thống tài liệu, quy trình trong hồ sơ đăng ký sẽ khó khăn cho tổ 6 chức khi phải mất thời gian, chi phí để chuẩn bị hồ sơ đăng ký.

Do đó, có thể nghiên cứu, đơn giản hóa thành phần hồ sơ (giảm tài liệu phải nộp trong hồ sơ đăng ký), nâng cao trách nhiệm của tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận, tăng cường hậu kiểm. Như vậy, việc đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP theo các nội dung cắt giảm, đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023 và tình hình triển khai thực tế hiện nay là cần thiết.

Mục tiêu giải quyết vấn đề

Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP theo các nội dung cắt giảm, đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023 và tình hình triển khai thực tế hiện nay.

 Ảnh minh hoạ.

Giải pháp giải quyết vấn đề

Có hai phương án đối với vấn đề này.

Phương án 1: Giữ nguyên quy định như hiện nay tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.

Phương án 2: Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP theo các nội dung cắt giảm, đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023 và tình hình triển khai thực tế hiện nay như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 6 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP) theo hướng đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm tài liệu phải nộp trong hồ sơ đăng ký hoạt động thử nghiệm (nội dung cắt giảm, đơn giản hóa này đã được quy định tại phần III của Phương án cắt giảm, đơn giản hóa ban hành kèm theo Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023 đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm và thủ tục cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm).

b) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 10 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP) theo hướng đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm tài liệu phải nộp trong hồ sơ đăng ký hoạt động kiểm định (nội dung cắt giảm, đơn giản hóa này đã được quy định tại phần III của Phương án cắt giảm, đơn giản hóa ban hành kèm theo Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023 đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định và thủ tục cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định).

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP) theo hướng đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm tài liệu phải nộp trong hồ sơ đăng ký hoạt động giám định (nội dung cắt giảm, đơn giản hóa này là nội dung kiến nghị, đề xuất mới cho phù hợp với tình hình thực tế triển khai trong thời gian quan, chưa được quy định tại phần III của Phương án cắt giảm, đơn giản hóa ban hành kèm theo Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023).

d) Bổ sung đoạn thứ ba điểm b khoản 3 Điều 17 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 Điều 17 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP) theo hướng quy định về chứng chỉ đào tạo chuyên gia đánh giá và kinh nghiệm đánh giá của chuyên gia đối với các chương trình chứng nhận hệ thống quản lý mới (nội dung cắt giảm, đơn giản hóa này đã được quy định tại phần III của Phương án cắt giảm, đơn giản hóa ban hành kèm theo Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023 đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận và thủ tục cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận).

đ) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 18 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP) theo hướng đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm tài liệu phải nộp trong hồ sơ đăng ký hoạt động chứng nhận (nội dung cắt giảm, đơn giản hóa này là nội dung kiến nghị, đề xuất mới cho phù hợp với tình hình thực tế triển khai trong thời gian quan, chưa được quy định tại phần III của Phương án cắt giảm, đơn giản hóa ban hành kèm theo Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023).

e) Bãi bỏ các nội dung sau: nộp danh sách thử nghiệm viên trong hồ sơ đăng ký tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP; nộp danh sách kiểm định viên trong hồ sơ đăng ký tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP; nộp danh sách giám định viên trong hồ sơ đăng ký tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP; nộp danh sách chuyên gia đánh giá trong hồ sơ đăng ký tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 18 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP; Mẫu số 02 trong Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, đã được thay thế bằng Mẫu số 02 trong Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 154/2018/NĐ-CP (nội dung cắt giảm, đơn giản hóa này đã được quy định tại phần III của Phương án cắt giảm, đơn giản hóa ban hành kèm theo Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023 đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận và thủ tục cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận).

g) Thay thế Mẫu số 01 và Mẫu số 10 trong Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP (đã được thay thế bằng Mẫu số 01 và Mẫu số 10 trong Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 154/2018/NĐ-CP) bằng Mẫu số 01 và Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này theo hướng tổ chức thử nghiệm có thể thực hiện kê khai đầy đủ danh mục sản phẩm, hàng hóa đăng ký thử nghiệm hoặc kê khai theo nhóm sản phẩm, hàng hóa đăng ký thử nghiệm và cơ quan có thể cấp Giấy chứng nhận theo đầy đủ danh mục sản phẩm, hàng hóa đăng ký thử nghiệm hoặc theo nhóm sản phẩm, hàng hóa đăng ký thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm (nội dung cắt giảm, đơn giản hóa này đã được quy định tại phần III của Phương án cắt giảm, đơn giản hóa ban hành kèm theo Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023 đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm và thủ tục cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm).

Đánh giá tác động của các giải pháp

Nếu thực hiện phương án 1 sẽ có lợi ích là không gây tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để tổ chức thực hiện, thúc đẩy hoạt động đánh giá sự phù hợp theo thông lệ quốc tế, tổ chức đánh giá sự phù hợp không phải mất thời gian nghiên cứu các quy định mới để thực hiện. 

Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là không cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo chủ trương, định hướng, quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQCP ngày 12/5/2020 tại Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023; không tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong quá trình đăng ký hoạt động theo quy định; không có căn cứ để xem xét về năng lực của chuyên gia đánh giá đối với các chương trình chứng nhận hệ thống quản lý mới.

Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp, không được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đăng ký hoạt động theo quy định vì đối tượng của hoạt động đánh giá sự phù hợp rất rộng, gồm nhiều sản phẩm, hàng hóa khác nhau và sẽ có các phép thử, phương pháp thử, quy trình kiểm định, giám định, đánh giá tương ứng cho từng loại sản phẩm, hàng hóa.

Để bảo đảm kết quả đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, kiểm định, giám định, chất lượng), các tổ chức đánh giá sự phù hợp sẽ phải xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tương ứng và theo chuẩn mực quốc tế (ISO/IEC 17025, ISO 9001, ISO/IEC 17020, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17065). Như vậy, hệ thống tài liệu, quy trình phải nộp trong hồ sơ đăng ký nhiều, tổ chức mất thời gian, chi phí để chuẩn bị hồ sơ đăng ký. Đồng thời, chưa giúp cho tổ chức đánh giá sự phù hợp nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình.

Không có căn cứ để nghiên cứu, đào tạo, tích lũy kinh nghiệm đánh giá cho chuyên gia đối với các chương trình chứng nhận hệ thống quản lý mới, làm căn cứ để đăng ký cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp, các tổ chức đánh giá sự phù hợp chưa được tạo điều kiện thuận lợi, chưa giảm được 9 thời gian, chi phí khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký nên chưa giảm được chi phí khi thực hiện đánh giá sự phù hợp, dẫn đến chưa giảm được chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nếu thực hiện theo phương án 2 sẽ giúp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo chủ trương, định hướng, quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQCP ngày 12/5/2020 tại Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong quá trình đăng ký hoạt động theo quy định; có căn cứ để xem xét về năng lực của chuyên gia đánh giá đối với các chương trình chứng nhận hệ thống quản lý mới.

Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đăng ký hoạt động theo quy định vì đối tượng của hoạt động đánh giá sự phù hợp rất rộng, gồm nhiều sản phẩm, hàng hóa khác nhau và sẽ có các phép thử, phương pháp thử, quy trình kiểm định, giám định, đánh giá tương ứng cho từng loại sản phẩm, hàng hóa.

Để bảo đảm kết quả đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, kiểm định, giám định, chất lượng), các tổ chức đánh giá sự phù hợp sẽ phải xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tương ứng và theo chuẩn mực quốc tế (ISO/IEC 17025, ISO 9001, ISO/IEC 17020, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17065).

Thực hiện theo phương án này, hệ thống tài liệu, quy trình phải nộp trong hồ sơ đăng ký sẽ giảm nhiều, tổ chức đánh giá sự phù hợp sẽ giảm được thời gian, chi phí để chuẩn bị hồ sơ đăng ký. Đồng thời, giúp cho tổ chức đánh giá sự phù hợp nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình. Giải pháp này phù hợp với nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Có căn cứ để nghiên cứu, đào tạo, tích lũy kinh nghiệm đánh giá cho chuyên gia đối với các chương trình chứng nhận hệ thống quản lý mới, làm căn cứ để đăng ký cấp Giấy chứng nhận theo quy định. Đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp: các tổ chức đánh giá sự phù hợp được tạo điều kiện thuận lợi, giảm được thời gian, chi phí khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký nên sẽ giảm được chi phí khi thực hiện đánh giá sự phù hợp, dẫn đến giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Phương án này cũng có một số hạn chế như gây tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để tổ chức thực hiện, thúc đẩy hoạt động đánh giá sự phù hợp theo thông lệ quốc tế. Đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp sẽ  mất thời gian nghiên cứu các quy định mới để thực hiện.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị lựa chọn phương án 2 là phương án đem lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, thực hiện theo chủ trương, định hướng, quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQCP ngày 12/5/2020 tại Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023.

 

Nguồn: vietq.vn