Tin KHCN trong tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngành KH&CN đồng hành trong phát triển kinh tế bền vững tại Côn Đảo (30/05/2024)
-   +   A-   A+   In  

Côn Đảo là điểm du lịch nổi tiếng với cả du khách trong nước và quốc tế, đồng thời là nơi lưu giữ di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (Nhà tù Côn Đảo). Hiện nay, Côn Đảo đang phải đối mặt với nhiều thách thức về xử lý rác thải, thiếu điện, nước sinh hoạt trong mùa cao điểm du lịch, hệ sinh thái có nguy cơ bị suy thoái… ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Góp phần giải quyết bài toán này, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên, tạo động lực xanh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của huyện Côn Đảo, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030”. Dưới đây là chia sẻ của Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Quang Nhật về kết quả bước đầu của Đề án.

Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030” hướng tới những mục tiêu chính nào, thưa ông?

Ông Phạm Quang Nhật: Hiện nay, ô nhiễm môi trường là một trong những thách thức lớn của huyện Côn Đảo, đặc biệt là vấn đề xử lý rác thải. Bên cạnh đó, Côn Đảo còn phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, nước sinh hoạt trong mùa cao điểm du lịch. Ngoài ra, các tác động của hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng các hệ sinh thái cỏ biển quanh đảo, tác động không nhỏ tới đa dạng sinh học trên đảo...

Vì những lý do trên, việc tìm ra các giải pháp thiết thực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở huyện Côn Đảo, thích nghi với biến đổi khí hậu và hài hòa với điều kiện văn hóa, sinh thái đặc trưng giữ vai trò rất quan trọng. Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang được xem là giải pháp tối ưu để phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết những thách thức, đặt trọng tâm vào mối quan hệ hài hoà giữa môi trường sinh thái, công bằng xã hội và phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH đang là xu hướng tất yếu hiện nay trên thế giới, được Đảng và Nhà nước quan tâm, thúc đẩy triển khai. Ngày 16/3/2023, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. 

Đề án đặt ra 3 mục tiêu tổng quát: i) giải quyết các tồn tại và thách thức về vấn đề môi trường, năng lượng tại Côn Đảo; ii) nâng cao năng lực cạnh tranh cụm ngành kinh tế chủ lực, thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, thu hút đa dạng nguồn du khách; iii) tái tạo nguồn vốn tự nhiên - con người và xã hội dựa trên cách tiếp cận theo mô hình KTTH. Trong đó, chú trọng vào 6 chiến lược chính: giáo dục nhận thức về KTTH; giảm thiểu rác thải, không rác thải nhựa; tuần hoàn nước; phát triển giao thông xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng; bảo tồn đa dạng sinh học; du lịch bền vững gắn với áp dụng KTTH.

Đến nay Đề án đã thu được những kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Quang Nhật: Để triển khai Đề án, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và Ban điều hành Đề án. Đồng thời, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai thực hiện:

Để nâng cao nhận thức về KTTH, UBND huyện Côn Đảo đã phối hợp Sở KH&CN, các cơ quan, đơn vị và các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện xây dựng chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và KTTH cho các học sinh, cộng đồng dân cư và du khách. Thông qua việc thực hiện các mô hình: “Trường học không rác thải nhựa”, “Ngôi nhà xanh”; thực hiện phong trào “Ngày thứ Bảy xanh - sạch - đẹp”; lễ ra mắt mô hình checkin, ký cam kết thực hành giảm nhựa trong hoạt động dịch vụ tại cơ sở với đại diện Hội du lịch huyện, các hãng vận tải tàu khách, hàng không, cano, xe điện vận chuyển hành khách… nhận thức trong cộng đồng, du khách từng bước được nâng cao; tỷ lệ sản phẩm nhựa dùng một lần trong các trường học, công sở, khách sạn đã giảm đáng kể. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn đã đồng hành trong chuyển đổi xanh, áp dụng giải pháp giảm nhựa như sử dụng sản phẩm thủy tinh, giấy…

UBND huyện Côn Đảo đã triển khai chương trình tập huấn phân loại rác tới tận người dân, thực hiện cam kết phân loại rác tại nguồn. Năm học 2023-2024, có 100% cơ sở trường học trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện mô hình “Trường học không rác thải nhựa”. UBND huyện Côn Đảo phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã cấp phát hơn 200 sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải và 300 túi làm từ vải tái chế, chống thấm nước đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo thực hiện mô hình “Nói không với túi ni lông tại Nghĩa trang Hàng Dương” và hội thi “Giỏ đồ lễ xanh”. Các hoạt động được nhân dân và du khách đồng tình ủng hộ, qua đó góp phần giảm trên 80% lượng rác thải nhựa và túi ni lông phát sinh, đồng thời góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân và du khách khi đến thăm viếng tại Nghĩa trang Hàng Dương. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã tổ chức 7 đợt thu gom rác thải, xử lý được 1.072 m3 rác thải đại dương trên các tuyến, điểm du lịch sinh thái, bãi biển. Tới đây, nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình theo hướng ứng dụng KTTH về rác thải, UBND huyện lập đề cương dự toán, đề xuất đầu tư hệ thống xử lý rác thải hữu cơ tự động và tăng cường kế hoạch truyền thông giảm nhựa tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Đối với nhiệm vụ tuần hoàn và cấp nước sinh hoạt, bên cạnh hệ thống xử lý nước sinh hoạt hiện hữu (công suất 3.400m3/ngày đêm) và Nhà máy nước 500m3/ngày đêm tại khu vực Cỏ ống, UBND huyện Côn Đảo đã triển khai lắp đặt bổ sung trạm xử lý nước mặt 1.000 m3/ngày đêm (hoàn thành vào ngày 19/8/2023). Hiện nay UBND huyện Côn Đảo đang tiếp tục lắp đặt bổ sung trạm xử lý nước mặt 1.000 m3/ngày đêm, nâng công suất cấp nước toàn huyện lên 5.900 m3/ngày đêm và triển khai thực hiện các công trình nhằm tích trữ nguồn nước.

Về nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học, trên cơ sở kết quả triển khai dự án KH&CN cấp tỉnh “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu Ramsar Vườn Quốc gia Côn Đảo” (phục hồi 3 ha san hô, trong đó: 01 ha phục hồi tự nhiên và 02 ha phục hồi nhân tạo), Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo tiếp tục nhân rộng diện tích phục hồi san hô. Đồng thời, Sở KH&CN phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo tiếp tục triển khai đề tài KH&CN cấp tỉnh “Đánh giá hiện trạng quần thể Dugong và cỏ biển tại Côn Đảo, đề xuất giải pháp quản lý và bảo tồn”.

Bên cạnh đó, nhằm phát triển du lịch bền vững gắn với áp dụng KTTH, Sở KH&CN đã tổ chức tuyển chọn đề tài “Đánh giá sức tải môi trường và đề xuất giải pháp phát triển du lịch bền vững tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Đến nay, đề tài đang triển khai thực hiện giai đoạn 1. Ngoài ra UBND huyện Côn Đảo, Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên trao đổi, kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học, viện, trường, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ. Qua đó, thu hút khoảng 55 tổ chức, cá nhân trao đổi chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình KTTH, tham gia các buổi tổ chức hội nghị, hội thảo liên quan.

Thông qua việc triển khai Đề án nêu trên, ông đánh giá như thế nào về những ưu điểm cũng như khó khăn trong việc áp dụng mô hình KTTH tại Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung?

Ông Phạm Quang Nhật: Mô hình KTTH đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chọn là giải pháp để phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết các thách thức của Côn Đảo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại địa phương, đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và Nhà nước đề ra. Việc Côn Đảo ứng dụng mô hình KTTH sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho địa phương, thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước trong thời gian tới với mô hình phát triển du lịch xanh. Quá trình triển khai trong thực tiễn cho thấy, việc áp dụng mô hình KTTH còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề về tính mới của KTTH cũng như nguồn lực, chính sách và sự liên kết, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể là:

Thứ nhất, KTTH nói chung và mô hình KTTH nói riêng vẫn còn mới đối với hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Việc áp dụng cụ thể cho mỗi loại hình doanh nghiệp thế nào được gọi là KTTH cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, thói quen trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm bằng nhựa, nilon dùng một lần của người dân rất lớn, khó thay đổi trong thời gian ngắn. Do đó cần sự đồng thuận chung trong nhận thức đúng đắn về bản chất của KTTH, từ việc thiết kế đến triển khai trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng doanh nghiệp, người dân và các cấp quản lý.

Thứ hai, sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong thực hiện chuyển đổi sang mô hình KTTH. Cán bộ quản lý, người lao động cần bổ sung kiến thức, kỹ năng, phù hợp phát triển các mô hình KTTH. Do vậy, doanh nghiệp sẽ gặp những trở ngại nhất định khi buộc phải đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, bổ sung nguồn nhân lực mới phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có những sự thay đổi đầu tư tài chính áp dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả nhằm đổi mới về quy trình công nghệ.

Thứ ba, khung chính sách về phát triển các mô hình KTTH chưa được hoàn thiện. Điều này dẫn đến sự khó khăn trong thu hút các nguồn lực tham gia. Ví dụ như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nguồn kinh phí xã hội hóa để triển khai các nhiệm vụ trong Đề án là rất lớn. Do đó, cần sự quyết tâm lớn của hệ thống chính trị nhằm huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ theo mục tiêu đề ra.

Thứ tư, việc hợp tác, liên kết của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy ứng dụng mô hình KTTH còn hạn chế. Chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi các doanh nghiệp phải thiết kế lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, kết nối với các doanh nghiệp trong chuỗi, mạng lưới sản xuất để đảm bảo một chu trình khép kín, áp dụng công nghệ mới. Hiện nay doanh nghiệp đủ năng lực thay đổi theo mô hình KTTH, tham gia vào mạng lưới còn hạn chế do thiếu nguồn lực triển khai.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển KTTH, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn so với cách thức tăng trưởng trước đây. Do đó, chắc chắn KTTH sẽ vẫn là xu thế diễn ra trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho Tạp chí. Kính chúc Đề án thành công và Sở KH&CN Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình trong việc thúc đẩy áp dụng KTTH.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 1217

Về trang trước Về đầu trang