Tiêu chuẩn ĐLCL
Phát triển nhân lực khoa học và công nghệ: Nâng cao năng suất lao động, gia tăng giá trị sản phẩm (03/05/2024)
-   +   A-   A+   In  
 Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những nhân tố cơ bản và quan trọng quyết định tăng trưởng kinh tế bền vững của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, nhân lực KH&CN đã góp phần nâng cao năng suất lao động, gia tăng giá trị sản phẩm

Góp phần nâng cao năng suất lao động

Thời đại công nghệ số bùng nổ mạnh mẽ tác động sâu sắc đến quá trình phát triển của loài người. Mọi quốc gia trên thế giới đều nhận thấy sự cần thiết và cấp bách phải nắm lấy KH&CN, bởi đây là đòn bẩy giúp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Theo đó, để phát triển dựa trên KH&CN thì nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực KH&CN nói riêng là nhân tố cơ bản và quan trọng quyết định sự tăng trưởng kinh tế bền vững của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Nguồn nhân lực KH&CN có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế nước ta

Sau hơn 30 năm đổi mới và phát triển, đến nay, nguồn nhân lực KH&CN nước ta đã và đang có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Một kết quả tổng hợp điều tra của Bộ KH&CN năm 2019 cho thấy, về số lượng, cả nước có 185.436 người tham gia các hoạt động nghiên cứu và phát triển, tăng gần 13.000 người - khoảng 7,4% - so với 2 năm trước đó. Còn về chất lượng, cán bộ nghiên cứu là những người có trình độ học vấn cao (cao đẳng, đại học, trên đại học...) tăng nhanh qua các năm.

Nhân lực KH&CN đã góp phần nâng cao năng suất lao động, gia tăng giá trị sản phẩm. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015). Nhân lực KH&CN ứng dụng thể hiện qua trình độ công nghệ có những bước tiến rõ nét. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020 (vượt mục tiêu 35%). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

Giải pháp phát huy vai trò nguồn nhân lực KH&CN

Song song với những mặt tích cực, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng đội ngũ cán bộ KH&CN vẫn còn thiếu các nhà khoa học giỏi, đầu ngành, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao. Nhân lực KH&CN phân bố không đều, một bộ phận sử dụng nhiều thời gian cho công tác quản lý; tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm còn yếu, khó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm nghiên cứu liên ngành hoạt động lâu dài, bền vững.

Chính sách thu hút, đãi ngộ chưa tạo thành động lực để phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học có trình độ cao, tài năng trẻ. Chưa có chính sách thoả đáng để thu hút và sử dụng trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Việt Nam...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạ

Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN từng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn lực con người và việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo.

Vì vậy, theo Bộ trưởng, thời gian tới, các Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho nhà khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa năng lực nghiên cứu. Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần dành sự ưu tiên đầu tư thích đáng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.

Đặc biệt, các đơn vị cần nghiên cứu, phối hợp cơ quan liên quan nhằm tạo dựng cơ chế quản lý tài chính phù hợp đặc thù hoạt động nghiên cứu khoa học, theo thông lệ quốc tế, với định hướng chấp nhận độ trễ, rủi ro trong nghiên cứu khoa học; chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đẩy mạnh khoán chi trong tài trợ nghiên cứu khoa học.



 

 

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 562

Về trang trước Về đầu trang