Tin KHCN nước ngoài
Da từ vi khuẩn tự nhuộm màu hướng tới xanh hóa ngành dệt may (22/04/2024)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà khoa học Anh đã tạo ra loại da mới từ vi khuẩn có thể tự nhuộm màu mà không cần dùng thuốc nhuộm độc hại, sẽ là giải pháp thay thế thân thiện với môi trường hơn so với da bò.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London, Anh đã biến đổi gien chủng vi khuẩn Komagataeibacter rhaeticus để sử dụng tạo ra tấm xenlulô vi khuẩn. Điểm khác biệt của chủng khuẩn mới này chúng tạo nên sắc tố đen được gọi là eumelanin cho tấm xenlulô vi khuẩn đó.

Quá trình sản xuất da từ vi khuẩn gồm các bước sau: đưa vi khuẩn vào môi trường sinh trưởng trong 14 ngày để chúng tạo thành tấm xenlulô vi khuẩn. Sau khi hoàn tất, môi trường sinh trưởng sẽ được loại bỏ và thay thế bằng dung dịch chứa thuốc thử cần thiết cho quá trình tổng hợp eumelanin.

Tiếp theo, tấm xenlulô vi khuẩn được lắc nhẹ trong 48 giờ ở nhiệt độ 30oC. Thao tác này sẽ kích thích vi khuẩn sản sinh eumelanin, tạo màu đen vĩnh viễn cho vật liệu. Cuối cùng, tấm xenlulô vi khuẩn được khử trùng trong dung dịch ethanol, ngâm trong dung dịch glycerol 5%, sau đó đặt lên khuôn và để khô.

Cho đến này, nhiều thử nghiệm đã được thực hiện, chẳng hạn như các tấm xenlulô vi khuẩn đã được khâu lại thành một chiếc ví. Tấm xelulô vi khuẩn duy nhất đã được đúc vào phần trên của một chiếc giày. Sau khoảng thời gian 42 tháng, mẫu xenlulô vi khuẩn màu đen vẫn duy trì được màu sắc sau khi được sử dụng tích cực dưới dạng "bản demo".

Nhóm tác giả hiện đang nghiên cứu các phương pháp kích thích vi khuẩn tạo nên màu sắc đa dạng. Trên thực tế, họ đã cho ra đời một chủng khuẩn khác có khả năng cung cấp sắc tố màu khi tiếp xúc với ánh sáng xanh. Điều này có thể giúp "nhuộm" logo hoặc thiết kế khác vào tấm xenlulo vi khuẩn chỉ bằng cách chiếu ánh sáng xanh lên vật liệu.

GS. Tom Ellis cho rằng: “Vi khuẩn đã trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề do da động vật và da làm từ nhựa đặt ra. Chúng tôi dự định sẽ mở rộng phát triển những màu sắc, vật liệu và có thể cả hoa văn mới. Chúng tôi mong muốn hợp tác với ngành thời trang để quần áo chúng ta mặc trở nên “xanh” hơn trong toàn bộ dây chuyền sản xuất".

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 1646

Về trang trước Về đầu trang