Tin KHCN trong nước
'Giấy thông hành' cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng (02/04/2024)
-   +   A-   A+   In  

Các bộ, ngành đang tiếp tục lựa chọn thêm một số sản phẩm xuất khẩu tiềm năng như: nhãn lồng Hưng Yên, xoài Đồng Tháp, sữa bò Ba Vì, nước mắm Phú Quốc, tinh dầu Tràm Huế, gốm Bát Tràng… để hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.

'Giấy thông hành' cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội tham quan một số gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của địa phương trong khuôn khổ Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2024 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Mấy năm gần đây, câu chuyện vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản đã đánh dấu bước tiến lớn trong hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực quốc gia.

Việc bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản giúp nâng giá trị, khẳng định doanh nghiệp và người dân Việt Nam có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của những quốc gia khó tính.

Trong thời gian qua, nhiều chương trình bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, phát triển tài sản trí tuệ, nhất là đối với sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) triển khai.

Trong đó, ngày 31/12/2021, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã ký "Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025".

Với vai trò là cơ quan đầu mối, sau hơn 2 năm triển khai, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các cơ quan liên quan của một số bộ, ngành, địa phương thực hiện hoạt động khảo sát và phổ biến kiến thức về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, trong đó ưu tiên các thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam quan tâm như: Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản... Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, dịch vụ tiềm năng ra nước ngoài.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Việt Nam có 44 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại nước ngoài, trong đó có 39 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại EU, 2 chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, 2 chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan và 1 chỉ dẫn địa lý tại Liên bang Nga.

Mặc dù các bộ, ngành đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, chương trình, hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài cho doanh nghiệp và đặc sản, sản phẩm chủ lực địa phương nhưng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là khả năng đáp ứng những sự khác biệt trong quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, khiến cho hoạt động hỗ trợ chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng.

Cho đến nay, đa số các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại nước ngoài đều được thực hiện thông qua thỏa thuận bảo hộ song phương, với sự hỗ trợ và tạo điều kiện rất nhiệt tình từ phía các đối tác thương mại quốc tế.

Đối với nhãn hiệu công nghiệp và nhãn hiệu tập thể, mặc dù đã có hơn 2.000 văn bằng bảo hộ tại Việt Nam, nhưng số lượng đối tượng này đã được nộp đơn hoặc đã được bảo hộ tại nước ngoài là rất khiêm tốn.

Ông Hàn Trường Minh, Tổng Giám đốc Công ty Concetti cho hay, số lượng đơn nhãn hiệu được nộp tại nước ngoài của chúng ta còn khá khiêm tốn và chủ đơn đa phần là các doanh nghiệp lớn. Ngoài các vấn đề về điều kiện xuất khẩu, một trong những lý do chính có thể đến từ vấn đề chi phí đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài thường ở mức tương đối lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, dẫn đến việc các doanh nghiệp thường khá thận trọng khi cân nhắc thực hiện.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 75/2021/TT-BTC ngày 9/9/2021 quy định về quản lý tài chính thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, trong đó nêu rõ mức chi cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài là 60 triệu đồng/đơn. Mức hỗ trợ này tương đối phù hợp với mức phí cần phải chi trả tại nước ngoài nhưng trên thực tế, hoạt động hỗ trợ chưa thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng...

'Giấy thông hành' cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng- Ảnh 2.

Vải thiều Lục Ngạn là loại nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm này vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính

Lựa chọn thêm các sản phẩm để bảo hộ ở nước ngoài

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), việc đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài là một việc khá phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gian. Đơn cử như sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, qua nhiều khâu, nhiều quy trình, vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận mới được Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đang xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho đăng ký chỉ dẫn thương mại của Việt Nam tại Nhật Bản và Trung Quốc. Đồng thời, triển khai một số hoạt động song phương với các cơ quan hữu quan, cơ quan sở hữu trí tuệ các nước để xem xét khả năng có thể bảo hộ lẫn nhau giống như Việt Nam bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ hợp tác với EU. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bởi nếu chúng ta tự đăng ký với từng nước thì rất tốn kém về chi phí, quy trình và thủ tục rất phức tạp.

Sau thành công của vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận, Bộ KH&CN cũng đang xem xét việc hỗ trợ sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên và xoài Đồng Tháp đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản và Trung Quốc để đăng ký bảo hộ tại các quốc gia này.

Bên cạnh việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ đại diện khoa học công nghệ ở nước ngoài để có những hành động hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, kinh doanh ở thị trường quốc tế cũng như các chủ thể liên quan về sự cần thiết, đánh giá tiềm năng thực sự của việc sử dụng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài để có những quyết định, lựa chọn phù hợp trong bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ của mình, tránh thiệt hại không đáng có hoặc lãng phí nguồn lực không cần thiết.

Đồng thời triển khai một số hoạt động với các địa phương hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình canh tác, giúp cho các sản phẩm luôn đáp ứng điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, duy trì và phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý...

Về phía Bộ Công Thương, ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng Phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, ngoài các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận (chủ yếu cho các sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp), Bộ Công Thương đang đề xuất lựa chọn thêm một số sản phẩm công nghiệp để hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài bởi trong nhóm sản phẩm ngành công nghiệp chế biến có tỷ trọng xuất khẩu tương đối cao trong những năm qua.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất các sản phẩm đưa vào danh mục hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài gồm: Công nghiệp chế biến (Sữa bò Ba Vì, Nước mắm Phú Quốc, Tinh dầu Tràm Huế...); đồ thủ công mỹ nghệ (Gỗ Đồng Kỵ), đồ gốm sứ (Gốm Bát Tràng, Gốm Bình Định).

Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn về xây dựng, phát triển thương hiệu cho các chủ thể sở hữu, quản lý, sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở các địa phương; tổ chức nghiên cứu, xây dựng tài liệu phân tích về ảnh hưởng/tác động của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tới phát triển các sản phẩm và thị trường xuất khẩu tiềm năng, phục vụ việc xây dựng giải pháp hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất khẩu, áp dụng hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); tổ chức thí điểm Chương trình phát triển thương hiệu nông sản xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tại thị trường nước ngoài…

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 4635

Về trang trước Về đầu trang