Chuyển đổi số
Dấu mốc mở kỷ nguyên 5G tại Việt Nam (18/03/2024)
-   +   A-   A+   In  

Cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với khối băng tần “vàng” 2500 - 2600MHz trong vòng 15 năm đã chính thức diễn ra. Đây được xem như dấu mốc mở ra kỷ nguyên 5G tại Việt Nam.

Nhân viên VNPT Bà Rịa-Vũng Tàu giới thiệu một số dịch vụ viễn thông, chuyển đổi số  cho khách hàng TP. Bà Rịa.

Nhân viên VNPT Bà Rịa-Vũng Tàu giới thiệu một số dịch vụ viễn thông, chuyển đổi số cho khách hàng TP. Bà Rịa.

Cuộc đấu giá lịch sử

Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 Quốc gia vừa tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz). Đây là băng tần hiệu quả để triển khai đồng thời cho mạng di động 4G và 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G trong tương lai gần.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, kỳ vọng mở ra kỷ nguyên mới cho 5G, là cơ sở để phát triển hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia.  

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, công nghệ 5G là xu hướng tất yếu của thế giới và chúng ta không thể nằm ngoài guồng quay này. Ông Hoan nhận định, chọn năm 2024 để Việt Nam thương mại hóa 5G là phù hợp. Mà để thương mại hóa 5G, việc đầu tiên cần làm là cấp phép sử dụng băng tần chính thức cho DN để thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ.

“Mục tiêu quan trọng nhất là minh bạch quy trình để cấp phép sử dụng cho những DN đủ năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên quý hiếm này, bảo đảm thị trường thông tin di động phát triển tốt và cạnh tranh lành mạnh”, ông Hoan nói.

Ngay sau cuộc đấu giá quan trọng, Viettel chính thức thông báo trở thành nhà mạng sở hữu băng tần “vàng” 2.500-2.600MHz trong 15 năm tới với số tiền hơn 7.500 tỷ đồng (giá khởi điểm gần 4.000 tỷ đồng).

Đại diện Viettel cho biết, việc trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng di động 5G là điều kiện cần thiết để DN đồng hành cùng xu thế phát triển về công nghệ viễn thông của thế giới, tiếp tục phát triển mạng 4G và chuyển đổi sang công nghệ 5G. Đây còn là điều kiện để thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia, hệ sinh thái dịch vụ số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

“Hiện tại, các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần 2.500-2.600 MHz. Viettel dự kiến sẽ khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất”, đại diện Viettel thông tin thêm.

Phát triển 5G, hạ tầng phải đi trước

Theo Quy hoạch Hạ tầng thông tin và truyền thông, đến năm 2030, mạng 5G phủ sóng 99% dân số. Như vậy, năm 2024 là thời điểm chín muồi để cấp phép băng tần thương mại hóa 5G, mà cuộc đấu giá vừa được thực hiện đã cụ thể hóa mục tiêu trên.

Cùng với đó, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, hạ tầng số cho 5G phải đi trước một bước để cung cấp dịch vụ đi kèm. Trong 2 năm đầu tiên triển khai, mỗi DN đấu giá được băng tần phải triển khai 3.000 trạm 5G. Dự kiến, các trạm này sẽ được nhà mạng lắp đặt tại khu vực đô thị, gần các KCN hoặc khu đông dân cư. “5G có độ trễ thấp, tốc độ cao, sẽ giúp nhà mạng có cơ hội kinh doanh mới tại các khu vực này, mở không gian mới đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội”, ông Nhã nói.

Còn theo các nhà mạng, sau khi được trải nghiệm thử trong thời gian qua, gần như 100% người dùng mong muốn sớm triển khai 5G để họ được “tận hưởng” công nghệ mới với tốc độ cao hơn.

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng 5G của người dân lớn nhưng số thiết bị hỗ trợ công nghệ này còn thấp. Trước thực trạng số khách hàng sử dụng điện thoại có hỗ trợ 5G chỉ từ 17-20%, đại diện Viettel cho biết sẽ lựa chọn ưu tiên triển khai dịch vụ ở những khu vực có nhu cầu cao, với tỷ lệ máy điện thoại hỗ trợ công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang có 10 trạm phát sóng 5G được vận hành thử nghiệm.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 104

Về trang trước Về đầu trang