Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN
Hội đồng nghiệm thu đề tài “Đánh giá hiện trạng quần thể Dugong (Dugong dugon) và cỏ biển tại Côn Đảo, đề xuất giải pháp quản lý và bảo tồn” (04/03/2024)
-   +   A-   A+   In  

Sáng ngày 01/3/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá và nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài Đánh giá hiện trạng quần thể Dugong (Dugong dugon) và cỏ biển tại Côn Đảo, đề xuất giải pháp quản lý và bảo tồn”. Đề tài do PGS.TS Nguyễn Văn Quân làm chủ nhiệm. Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN) là cơ quan chủ trì. Tham dự có ông Phạm Quang Nhật - Giám đốc Sở KH&CN, chủ tịch hội đồng.

Côn Đảo là một quần đảo nằm ở vùng biển phía nam Việt Nam thuộc tỉnh BR-VT, với 14 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Sơn và nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, các bãi biển tuyệt đẹp. Tuy nhiên, điều đặc biệt và độc đáo nhất ở Côn Đảo chính là có sự tồn tại của bò biển (Dugong) và các loài cỏ biển. Dugong là một loài thú biển quý hiếm, được xếp vào mức sắp nguy cấp (VU) trong danh lục đỏ IUCN năm 2023. Có kích thước trung bình, con trưởng thành có chiều dài khoảng 4 mét, cân nặng 400 kg. Còn cỏ biển, đây là nhóm thực vật có hoa duy nhất sống trong môi trường biển và nước lợ. Tuy có số lượng loài tương đối ít nhưng cỏ biển có vai trò sinh thái rất quan trọng. Chúng tham gia trong chu trình dinh dưỡng ở  biển và đại dương.

Đề tài được thực hiện trong vòng 28 tháng và đạt được kết quả sau:

+ Về kích thước quần thể dugong, đề tài đã xác định được ở vùng biển Côn Đảo còn khoảng 12 cá thể thường xuyên xuất hiện và kiếm ăn tại các thảm cỏ biển. Về mật độ cá thể dugong, khoảng 392,2 ha cỏ biển cho một quần thể từ 12 cá thể dugong sinh sống. Tần suất bắt gặp dugong sinh sống và kiếm ăn nhiều nhất ở Côn Đảo là vào tháng 6 và tháng 9 dương lịch hàng năm tại vịnh Côn Sơn, bãi Six Senses, hòn Bảy Cạnh. Dugong sinh sống và kiếm ăn ở Côn Đảo bao gồm cả cá thể trưởng thành, cá thể con và các cá thể có kích thước trung bình.

+ Về số lượng, thành phần loài cỏ biển, đề tài đã xác định được 08 loài cỏ biển: cỏ lá dừa (Enhalus acoroides), cỏ vích (Thalassia hemprichii), cỏ xoan (Halophila ovalis), cỏ kiệu răng cưa (Cymodocea serrulata), cỏ kiệu tròn (Cymodocea rotundata), cỏ lăn (Syringodium isoetifolium), cỏ hẹ tròn (Halodule pinifolia) và cỏ hẹ ba răng (Halodule uninervis). Về độ phủ, các thảm cỏ biển tại Côn Đảo có độ phủ ở mức thấp, trung bình đạt 13,6%. Về diện tích phân bố, ước tính còn khoảng 392,2 ha. Về phân bố, ở Côn Đảo hiện nay cỏ biển chỉ còn ở vịnh Côn Sơn (bãi An Hải, bãi trước Cầu Cảng, bãi Lò Vôi, bãi Six Senses) và hòn Bảy Cạnh. Các khu vực khác cỏ biển có phân bố nhưng nhỏ lẻ, không tạo thành các thảm cỏ.

 

Đề tài đã đề xuất các giải pháp bảo tồn và quản lý bền vững quần thể dugong cũng như các thảm cỏ biển phân bố tại khu vực Côn Đảo gồm: giải pháp bảo vệ các thảm cỏ biển, môi trường sống của dugong; giải pháp kiểm soát câu cá giải trí; giải pháp giảm thiểu hoạt động của tàu thuyền; giải pháp sử dụng công cụ truyền thông; giải pháp giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng; giải pháp nghiên cứu, giám sát dugong và cỏ biển; giải pháp chính sách và pháp luật; giải pháp thành lập trung tâm cứu hộ dugong; giải pháp trồng phục hội nguyên vị và chuyển vị các loài cỏ biển ở Côn Đảo.

Với kết quả đạt được, Hội đồng khoa học và công nghệ đã thống nhất nghiệm thu đề tài. Tuy nhiên, cần chỉnh sửa và hoàn thiện đề tài theo góp ý của các thành viên hội đồng.

Nguồn: Nguyễn Tuyết

Số lượt đọc: 668

Về trang trước Về đầu trang