Tiêu chuẩn ĐLCL
Quy định mới về kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của Bộ KH&CN (20/02/2024)
-   +   A-   A+   In  

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BKHCN ngày 18 tháng 01 năm 2024 quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BKHCN quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, thay thế Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ngày 28/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường.

Theo đó, Thông tư này quy định về nội dung, trình tự và tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Với đối tượng áp dụng là cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đối tượng kiểm tra là hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam; Hàng hóa trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh không thuộc đối tượng kiểm tra quy định tại Thông tư này.

Về nội dung, thông tư quy định cụ thể nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong đó, kiểm tra thông tin hàng hóa gồm: Kiểm tra nhãn hàng hóa và tài liệu kèm theo mà quy định buộc phải có; kiểm tra tiêu chuẩn công bố áp dụng, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy theo quy định; kiểm tra mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định.

Bên cạnh đó, kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa so với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, nhãn hàng hóa và tài liệu kèm theo; kiểm tra các nội dung khác liên quan đến chất lượng hàng hoá.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, trường hợp hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng thì Trưởng đoàn kiểm tra quyết định lấy mẫu theo quy định. Còn đối với hàng hóa kinh doanh trong hoạt động thương mại điện tử, ngoài kiểm tra theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, Đoàn kiểm tra tiến hành so sánh tính thống nhất của các thông tin trên các trang thông tin điện tử với thực tế của hàng hóa được kiểm tra.

Về phía người bán hàng cần có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 16 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trường hợp người bán hàng có thực hiện hoạt động thương mại điện tử thì phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử; Người bán hàng có trách nhiệm thực hiện lưu mẫu, xử lý mẫu theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này.

Bên cạnh đó các cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này; Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét và quyết định.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 3/3/2024.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 925

Về trang trước Về đầu trang