Tiêu chuẩn ĐLCL
Trái cây sấy khô bắt buộc phải công bố chất lượng, tuân thủ yêu cầu về an toàn thực phẩm (01/02/2024)
-   +   A-   A+   In  

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì công bố chất lượng hoa quả sấy khô là một thủ tục bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện trước khi lưu thông ra thị trường.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, chất dinh dưỡng trong trái cây sấy không hề bị mất đi vì trái cây sấy khô thường được thu hoạch vào đúng vụ – thời điểm chín muồi về chất lượng. Thậm chí sau khi sấy khô, một số loại sẽ có vị đậm hoặc ngọt hơn so với hoa quả tươi do lượng nước giảm đi và các thành phần khác tăng lên, đặc biệt là polyphenols.

Ngày nay, với công nghệ sấy chân không hiện đạị cũng tránh cho sản phẩm tiếp xúc với oxy, ánh sáng và nhiệt độ cao…giúp giữ được hương vị tuyệt vời của các loại trái cây yêu thích đồng thời có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. Trái cây sấy khô không những giúp bảo quản rau quả được lâu mà còn giữ được hương vị của các loại trái cây yêu thích với màu sắc bắt mắt đặc trưng cho mỗi loại.

Trái cây sấy khô phải công bố tiêu chuẩn chất lượng trước khi lưu hành thị trường. Ảnh minh họa

Vì là các sản phẩm sấy khô ăn liền không qua chế biến nên vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu khi chọn mua sản phẩm. Do đó, để tạo niềm tin cho khách hàng cũng như khẳng định chất lượng sản phẩm so với các sản phẩm trôi nổi không nhãn mác trên thị trường thì theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định việc công bố chất lượng hoa quả sấy khô là một thủ tục bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện trước khi lưu thông ra thị trường. Việc vông bố tiêu chuẩn chất lượng trái cây sấy là điều cần thiết, không thể bỏ qua. Đồng thời, đây chính là điều kiện pháp lý bắt buộc để sản phẩm của doanh nghiệp được lưu thông hợp pháp trên thị trường Việt Nam nói chung và thị trường xuất khẩu nói riêng.

Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh thực phẩm nói riêng và cơ sở chế biến trái cây sấy khô nói chung phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP gồm: Cơ sở chế biến trái cây sấy khô ban đầu nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định, kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; sản xuất và kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; kinh doanh thức ăn đường phố.

Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành kinh doanh tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Tuy không phải thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng theo quy định tại Nghị định 15/2018NĐ-CP thì cơ sở chế biến trái cây sấy khô vẫn phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 19 của Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất trái cây sấy khô phải có địa điểm, diện tích thích hợp đối với nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác phải có khoảng cách an toàn. Trang thiết bị đầy đủ để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển sản phẩm khác nhau. Có đầy đủ trang thiết bị khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại. Có hệ thống xử lý nước thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuân thủ quy đinh về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp kinh doanh thực phẩm. 

Còn theo quy định hiện hành, các chỉ tiêu kiểm nghiệm rau củ quả sấy khô sẽ được căn cứ vào cơ sở pháp lý của các quyết định, quy định: Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT về việc ban hành Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8-2:2011/BYT đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm.

Các sản phẩm thực phẩm quy định tại QCVN 8-2:2011/BYT phải được kiểm tra an toàn để đảm bảo sản phẩm không chứa kim loại nặng vượt quá giới hạn ô nhiễm quy định tại Quy chuẩn này. Việc kiểm tra các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng được thực hiện theo các quy định của pháp luật. Theo đó việc kiểm nghiệm rau củ quả sấy khô gồm các chỉ tiêu tổng số vi sinh vật hiếu khí ở 30°C; Coliforms; E.coli; Cl. perfringens; B.cereus; Tổng số bào tử nấm men, nấm mốc; Arsen; Chì; Aflatoxin (A+G).

Tổ chức các nhân không được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chứa kim loại nặng vượt quá giới hạn ô nhiễm quy định trong quy chuẩn này.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 514

Về trang trước Về đầu trang