Tin KHCN trong nước
Phó giáo sư phát triển kit chẩn đoán nhanh gene kháng thuốc (01/02/2024)
-   +   A-   A+   In  

Những bệnh nhân bị kháng kháng sinh thường giảm hiệu quả trong điều trị và có thể dẫn tới tử vong, vì vậy PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài ứng dụng công nghệ mới để phát triển kit chẩn đoán, truy tìm nguyên nhân này.

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài, 43 tuổi, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, mỗi khi có thuốc mới, ngay lập tức sẽ phát triển các vi sinh vật kháng thuốc. Vì vậy chị đã nghiên cứu áp dụng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số là công nghệ khuếch đại acid nucleic mới được phát triển gần đây để phát triển kit truy tìm gene kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa hỗ trợ trong điều trị.

Trực khuẩn mủ xanh P. aeruginosa là loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng, cả cấp tính và mạn tính. Các nghiên cứu cho thấy nó là nguyên nhân số một gây ra viêm phổi và suy hô hấp. Vi khuẩn này cũng là một trong sáu nhóm loài thuộc danh sách của WHO có khả năng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng do khả năng đa kháng thuốc của nó.

PGS Hoài ứng dụng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số là công nghệ có độ nhạy, độ chính xác cao, khả năng định lượng vi sinh ngay cả ở nồng độ rất thấp và khả năng hoạt động tốt với các mẫu bệnh phẩm. Mục đích phát triển kit chẩn đoán để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gene kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng.

Khi xác định được gene kháng thuốc ở bệnh nhân, bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ điều trị, thao tác cẩn thận và cho cách ly họ để không gây ảnh hưởng đến bệnh nhân khác. "Vi khuẩn kháng thuốc có thể lây lan nhanh cho các bệnh nhân khác. Khi đó sẽ rất nguy hiểm vì việc sử dụng thuốc điều trị không còn tác dụng do bị kháng lại", TS Hoài nói.

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài (phải) hướng dẫn nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Thanh Nhàn

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài (phải) hướng dẫn nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Thanh Nhàn

Hiện nay để kiểm tra bệnh nhân có kháng thuốc hay không, các bác sĩ phải sử dụng phương pháp nuôi cấy vi khuẩn. Tức là sẽ cho vi khuẩn tiếp xúc với kháng sinh đang điều trị. Nếu vi khuẩn bị ức chế, thuốc điều trị có tác dụng, ngược lại là đang kháng thuốc. Cách này mất khoảng hai ngày để biết kết quả.

Theo PGS Hoài, khi sử dụng kit sẽ cho kết quả ngay lập tức trên mẫu lâm sàng. Phương pháp này ưu điểm là nhanh. Trên thế giới chưa có nghiên cứu nào ứng dụng phương pháp này.

Vốn đam mê sinh học, Hoài theo đuổi môn sinh học từ năm lớp chín. Sau đó học chuyên sinh của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương. Thu Hoài được tuyển vào chương trình cử nhân khoa học tài năng của Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội và lựa chọn chuyên ngành hóa sinh. "Tôi chọn học ngành hóa sinh vì chuyên ngành này có tính ứng dụng cao, hơn nữa, tôi yêu thích môn miễn dịch học", chị nói.

Nhận bằng tiến sĩ tại Đức 5 năm sau khi tốt nghiệp đại học, Hoài cho biết có nhiều cơ hội ở lại Đức nhưng muốn quay về Việt Nam làm việc. Tiến sĩ Thu Hoài quay trở lại Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội sau đó đến Viện Sức khỏe quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) học thêm một thời gian ngắn, rồi tiếp tục đến Bỉ nghiên cứu chuyên sâu.

Chị cho biết từ năm 2010 khi còn công tác tại Viện Nghiên cứu thuốc Louvain, Trường đại học Công giáo Louvain, Vương quốc Bỉ chị đã bắt đầu nghiên cứu quy trình và các phương thức chẩn đoán kháng thuốc. Đến năm 2020 chị nghiên cứu tiếp nối về cơ chế kháng thuốc tại Viện Nghiên cứu dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia, Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ.

Kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số là công nghệ mới nên khi về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, đơn vị chưa có tiền đầu tư máy móc, phải sử dụng nguồn lực của đối tác để thực hiện. "Vì đây là công nghệ mới nên đầu tư ban đầu rất lớn, nhưng khi thành công có thể sản xuất ở quy mô công nghiệp, giá sẽ rẻ và có thể kiểm tra kết quả realtime", chị nói và cho rằng tự tin về kết quả đầu ra. Với một nghiên cứu mới, chứng minh là thành công chỉ cần có mẫu thử và chạy ra kết quả. Nhưng để đưa vào ứng dụng trong cộng đồng, TS Hoài dự tính có thể mất 5 năm, thậm chí nhiều hơn. Cùng với đó sẽ phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác nữa.

Kháng kháng sinh hiện được xem là vấn đề y tế nghiêm trọng vì nó tạo ra tác động lớn đến hiệu quả điều trị, tỷ lệ sống và làm gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tạo thêm gánh nặng xã hội. Đến năm 2050, kháng kháng sinh ước tính sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm nếu không có sự can thiệp hiệu quả.

Một trong số các giải pháp giúp giảm tình trạng kháng kháng sinh, tăng hiệu quả điều trị là phát triển các phương pháp chẩn đoán nhanh, kịp thời và chính xác nhằm trợ giúp việc đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Đồng thời có biện pháp cách ly giảm lây lan các chủng đa kháng, toàn kháng. Vì vậy TS Hoài cho biết sẽ theo đuổi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để mang lại giá trị cho cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài là tác giả và đồng tác giả của 3 chương sách và 72 bài báo với 25 bài báo ISI/Scopus trong lĩnh vực nghiên cứu hệ protein (proteomics) và kháng thuốc. Năm 2023 chị được trao giải Nhà khoa học nữ xuất sắc của L’Oréal - UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 822

Về trang trước Về đầu trang