Tin KHCN trong nước
Triển khai Nghị quyết 01, 02: Bộ KH&CN 'tinh gọn' vào nhiệm vụ thực sự trọng tâm (01/02/2024)
-   +   A-   A+   In  

Năm 2024, để triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, Bộ KH&CN đổi mới, chỉ đưa vào những nhiệm vụ trọng tâm, có sản phẩm cụ thể; không liệt kê, đưa các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên.

Triển khai Nghị quyết 01, 02: Bộ KH&CN 'tinh gọn' vào nhiệm vụ thực sự trọng tâm- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thăm Phòng thí nghiệm nhà máy số của Đại học Bách khoa Hà Nội

Trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, hằng năm, Chính phủ ban hành ngay từ những ngày đầu năm Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước (Nghị quyết 01) và Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 02).

Năm 2024 này, Nghị quyết 01, 02 được Chính phủ ban hành vào ngày 5/1. Ngay sau đó, Bộ KH&CN đã đề ra chương trình hành động thực hiện 2 nghị quyết quan trọng này.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Đỗ Thành Long, Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cho biết: "Về cách làm chương trình hành động, năm nay Bộ KH&CN đã có đổi mới, chỉ đưa vào những nhiệm vụ trọng tâm, có sản phẩm cụ thể; không liệt kê, đưa các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên. Chính vì vậy, số lượng nhiệm vụ cụ thể chỉ còn 65, thay vì khoảng 100 nhiệm vụ như các năm trước đây".

Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên và được xác định quan trọng, căn cốt nhất là công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo.

"Đây cũng là nhiệm vụ đầu tiên được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh khi tham dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ KH&CN", ông Đỗ Thành Long nói.

Hoàn thiện thể chế là căn cốt nhất

Theo ông Đỗ Thành Long, trong năm 2023 và những ngày đầu năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành một số nghị quyết quan trọng liên quan đến lĩnh vực KHCN. Cụ thể là Nghị quyết 36 ngày 30/1/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới; Nghị quyết 45 ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Gần đây nhất là Kết luận số 69 ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XI (Nghị quyết số 20 ngày 1/11/2012) về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bộ KH&CN xác định, việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị là nhiệm vụ quan trọng nhất, cần tập trung nhất trong công tác năm 2024 và trong kế hoạch này thì nhiệm vụ căn cốt nhất là công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo.

Chính vì thế, trong công tác hoàn thiện thể chế, trong năm 2024, Bộ KH&CN sẽ tập trung xây dựng luật, lập đề nghị xây dựng 4 luật sửa đổi; xây dựng, trình Chính phủ 5 nghị định trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể là: Xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, trình Chính phủ trong tháng 1/2024; trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2024).

Hoàn thiện lập đề nghị xây dựng 3 luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KHCN; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Trong đó, quan trọng nhất là tập trung hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN.

Theo ông Đỗ Thành Long, Luật KH&CN đã được Quốc hội thông qua vào năm 2013. Qua 10 năm triển khai, Luật KH&CN đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất và đồng bộ cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai trong thực tiễn, cũng đã xuất hiện các khó khăn, vướng mắc từ các quy định của Luật cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh các dự án xây dựng luật, Bộ cũng có kế hoạch xây dựng, trình Chính phủ 5 nghị định, trong đó có một số nghị định rất quan trọng cần được ban hành để tháo gỡ các vướng mắc trong khi chờ Luật KH&CN được sửa đổi, bổ sung.

Điển hình như Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN, trình Chính phủ tháng 6/2024.

"Có thể nói việc có một cơ chế đầu tư và tài chính thông thoáng, thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của hoạt động KHCN là một trong những mong mỏi lớn nhất của cộng đồng các nhà quản lý, các nhà khoa học", ông Đỗ Thành Long nhấn mạnh.

Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, thanh quyết toán; khuyến khích doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN để khơi thông nguồn lực tài chính ngoài nhà nước cho hoạt động KHCN trong giai đoạn tới.

Một nghị định quan trọng khác là Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập dự kiến trình Chính phủ tháng 11/2024.

Hiện nay, việc tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Nghị định 60 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng. việc quy định về tự chủ đối với các tổ chức KHCN công lập cần toàn diện hơn (về thực hiện nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy và nhân sự, về hợp tác quốc tế, về tài chính...) thay vì chỉ giới hạn trong phạm vi tự chủ về tài chính và cần xét đến các yếu tố đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực KHCN.

Chính vì vậy, Bộ KH&CN đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ xây dựng Nghị định quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập để tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức KHCN công lập và thủ trưởng các tổ chức này.

Bên cạnh đó, là cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, Bộ KH&CN nhận thấy cần có một khuôn khổ pháp lý để tạo sự thống nhất và đồng bộ trong cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KHCN chưa được ban hành, nên đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, 2 nghị định khác dự kiến trình Chính phủ là: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ.

Đẩy mạnh triển khai 44 chương trình KHCN quốc gia

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế để thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, Bộ cũng sẽ tập trung triển khai các chiến lược đã được ban hành trong lĩnh vực KHCN, như: Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Chiến lược phát triển và ứng dụng KHCN vũ trụ đến năm 2030.

Để thực hiện các chiến lược này, trong 2 năm vừa qua, Bộ đã tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu các chương trình KHCN quốc gia, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các chương trình trong giai đoạn mới.

Đến nay, các công việc này cơ bản đã hoàn thành với 44 chương trình KHCN cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030 đã được phê duyệt (22 chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 22 chương trình do Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt), cân đối cho cả 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Trong năm 2023, Bộ KH&CN đã rà soát, ban hành 4 thông tư nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quy trình, thủ tục quản lý và triển khai nhiệm vụ KHCN trong bối cảnh vẫn cần tuân thủ hệ thống pháp luật chung về đầu tư, tài chính, tài sản công và cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KHCN.

Sau khi hoàn thành công tác tái cơ cấu và xây dựng hành lang pháp lý cho các chương trình, Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh triển khai 44 chương trình KHCN cấp quốc gia trong năm 2024.

Nâng cao năng lực xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Về sở hữu trí tuệ, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ là tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, số lượng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ngày càng gia tăng (năm 2023, với số lượng đơn tiếp nhận là 156.413, tăng 11% so với năm 2022). Mặc dù, Cục Sở hữu trí tuệ đã rất cố gắng, nỗ lực xử lý đơn, nhưng đơn tồn đọng vẫn còn nhiều.

Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ KH&CN sẽ tập trung vào các giải pháp căn cơ để nâng cao năng lực xử lý đơn, như: Khẩn trương nâng cấp, cải tiến và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thẩm định và xử lý đơn; có chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Cục Sở hữu trí tuệ; áp dụng cơ chế đặc thù đối với công tác thẩm định đơn như các cơ quan sở hữu trí tuệ trên thế giới.

Về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, năm 2024, Bộ KH&CN sẽ tổ chức đánh giá kết quả triển khai Đề án 844 "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" để đề xuất phương án triển khai trong giai đoạn tới.

Bộ cũng sẽ xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Nghiên cứu, đề xuất thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh…

Về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Bộ sẽ tập trung xây dựng, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực...

Triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Đối với việc triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP, ông Đỗ Thành Long cho biết, với vai trò được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện Chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo (GII) của WIPO, năm 2024, Bộ sẽ tập trung tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời để Việt Nam sẽ tiếp tục đứng trong nhóm 4 quốc gia dẫn đầu của ASEAN về Chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia. 

Ông Đỗ Thành Long dẫn số liệu Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Trong 13 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, sau một thời gian thực hiện thí điểm, được sự đồng ý của Chính phủ, năm 2023, Bộ KH&CN đã triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hàng năm nhằm đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của các địa phương trên cả nước, dự kiến sẽ được công bố vào thời gian tới.

Ông Đỗ Thành Long kỳ vọng với sự đổi mới, quyết tâm, nỗ lực trong triển khai các nhiệm vụ trên của Bộ KH&CN ngay từ đầu năm sẽ góp phần cùng các bộ ngành, địa phương trên cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ. 

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 4066

Về trang trước Về đầu trang