Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao (26/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

TS Lê Công Nông và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (Bộ Công Thương) vừa hoàn thiện việc nghiên cứu và chọn tạo thành công 2 giống lạc mới là VD11 cho một số tỉnh/thành phố khu vực phía Nam và LDT3 cho một số tỉnh/thành phố phía Bắc với điều kiện sinh thái và canh tác phù hợp cho từng giống lạc.

Từ cây công nghiệp ngắn ngày

Lạc (Arachis hypogaea L.) là cây trồng nhiệt đới có nguồn gốc từ châu Mỹ, là cây công nghiệp ngắn ngày và cây thực phẩm cho dầu quan trọng. Lạc được trồng rộng rãi ở tất cả các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới trên thế giới. Hạt lạc giàu protein, chất béo, khoáng chất, vitamin do đó được trồng chủ yếu để lấy dầu. Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam là một trong nhiều quốc gia có diện tích sản xuất lạc lớn trên thế giới, năng suất đứng thứ 25 và sản lượng đứng thứ 17 trên thế giới (FAOSTAT, 2023). Diện tích trồng lạc ở Việt Nam chiếm khoảng 0,50-0,67% của thế giới và sản lượng lạc chiếm 0,79-0,95% của thế giới, năng suất lạc ở Việt Nam nhìn chung cao hơn năng suất lạc trung bình của thế giới từ 0,71-0,83 tấn/ha. Cây lạc tại Việt Nam được trồng ở nhiều nơi, trọng tâm là ở Bắc Trung Bộ, trung du miền núi phía Bắc, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Là tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) đầu ngành của Bộ Công Thương trong lĩnh vực dầu thực vật và cây có dầu, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu định hướng phát triển những giống cây có hàm lượng dầu cao phục vụ cho ngành dầu thực vật với đội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ chuyên môn cao, có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của thế giới, có quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng. Trong công tác chọn giống, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã cung cấp nhiều giống lạc cho sản xuất tại phía Nam.

Chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao

Phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình nghiên cứu, tháng 01/2019, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao” nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về vấn đề bổ sung và cung ứng cho nông dân sản xuất giống lạc có năng suất và hàm lượng dầu cao ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc, bổ sung mới vào bộ giống lạc hiện đang sản xuất, phù hợp với điều kiện canh tác vùng, tăng lợi thế về giá trị cây lạc; tăng lợi thế cạnh tranh với các cây trồng khác trong vùng.

Sau 4 năm triển khai thực hiện (01/2019-12/2023), các nhà khoa học của viện đã tiến hành đánh giá tập đoàn 50 mẫu dòng/giống tại phía Nam và tuyển chọn được vật liệu 5 giống bố và 4 giống mẹ tiến hành lai hữu tính và đánh giá, chọn lọc, so sánh xác định được 5 dòng lạc lai triển vọng gồm L1904-30, L1915-41, L1917-47, L1904-32 có hàm lượng dầu >50%, từ đó tiến hành khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng và chọn được dòng lạc mới VD11 (đặt tên từ dòng L1904-32) có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với vùng sinh thái, có năng suất đạt từ 3,51-3,81 tấn/ha cao hơn giống lạc đối chứng ở các địa phương 19,0-23,3%, hàm lượng dầu đạt từ 52,05-54,01% (cao hơn đối chứng 6,9-9,4%) phù hợp đưa vào sản xuất tại các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Thuận.

Đánh giá tập đoàn 60 mẫu dòng/giống ở phía Bắc chọn được 5 giống lạc xử lý đột biến và quá trình chọn lọc đã xác định được 6 dòng lạc đột biến triển vọng có hàm lượng dầu >50% gồm L14-180/2, L27-220/2, L27-250/3, L29-200/4, SL-220/2 và TQV74-250/1. Từ đó tiến hành khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng và chọn được dòng lạc LDT3 (đặt tên từ dòng L27-220/2) có các đặc điểm hình thái, sinh trưởng phát triển tốt, có số quả 3 hạt chiếm tỷ lệ cao, năng suất thực thu đạt 3,65-3,95 tấn/ha, vượt giống đối chứng L14 từ 12,0-16,5%, hàm lượng dầu >50% phù hợp để đưa vào sản xuất tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Nghệ An, TP Hà Nội.

Đề tài đã xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác cho giống lạc VD11 ở các tỉnh/thành phố phía Nam trong vụ Đông Xuân 2022-2023 và Hè Thu 2023, xác định thời điểm thích hợp khi gieo vụ Đông Xuân từ 01-17/12 và Hè Thu từ 02-18/05, mật độ 25-30 cây/m2 (1 hạt/hốc) và công thức phân bón 50 kg N/ha : 105 kg P2O5/ha : 90 kg K2O/ha thích hợp cho canh tác tại 3 tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Thuận đạt năng suất cao và hiệu quả kinh tế nhất. Xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác cho giống lạc LDT3 thời điểm thích hợp khi gieo ở vụ Xuân là từ 10-20/02 và vụ Hè Thu từ 01-30/06, mật độ 35 cây/m2 (1 hạt/hốc) và công thức phân bón 50 kg N/ha : 90 kg P2O5/ha : 75 kg K2O/ha cho canh tác tại 3 tỉnh thành Vĩnh Phúc, Nghệ An và Hà Nội đạt năng suất cao và hiệu quả kinh tế nhất.

Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng được 3 mô hình sản xuất giống lạc VD11 ở 3 tỉnh phía Nam (Long An, Tây Ninh và Bình Thuận) với quy mô diện tích 15 ha (5 ha/mô hình) năng suất đạt 3,54-3,71 tấn/ha, cao hơn so với mô hình giống lạc phổ biến tại địa phương (2,84-3,10 tấn/ha), đạt hiệu quả kinh tế hơn và phù hợp với điều kiện nông hộ. Lợi nhuận từ việc canh tác giống lạc VD11 đạt 62.922.000-76.942.000 đồng/ha/vụ, cao hơn so với giống đối chứng canh tác theo quy trình tại địa phương từ 20.213.000- 21.983.000 đồng/ha/vụ. Mô hình sản xuất giống lạc LDT3 ở 3 tỉnh thành phía Bắc (TP Hà Nội, Vĩnh Phúc và Nghệ An) đạt năng suất thực thu từ 3,60-3,70 tấn/ha, vượt giống đối chứng L14 (3,10-3,25 tấn/ha), lợi nhuận đạt từ 70.825.000-73.825.000 đồng/ha/vụ.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 821

Về trang trước Về đầu trang