Tiêu chuẩn ĐLCL
Một số góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (25/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2006 (Luật số 68/2006/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành luật thời gian qua cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định tương mại tự do FTA thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội bền vững. Do vậy, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cần phải được sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là vấn đề cần thiết. Ảnh minh họa

Đề cập tới vấn đề sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, theo đại diện của nhiều doanh nghiệp, những hạn chế liên quan đến Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã dẫn đến một cuộc giằng co giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều năm nay. Các chuyên gia cũng cho rằng việc sửa Luật phải đáp ứng hai yêu cầu, vừa tăng cường khả năng quản lý nhà nước, vừa tạo động lực mới cho doanh nghiệp Việt Nam dùng sức mạnh của tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, biến thành năng lực đổi mới sáng tạo. Nếu thiếu một trong hai yêu cầu này sẽ không đạt được mục tiêu của việc sửa Luật.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam - đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật hiện nay chưa có một khung cụ thể để rạch ròi giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn. Điều này tạo ra một sự tùy tiện và khiến cho luật tham gia vào rất sâu trong sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Khoa – đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) góp ý, một trong những nội dung được sửa đổi trong dự thảo Luật mới là việc thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, theo đó, bổ sung nội dung thẩm định về sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật, cam kết quốc tế về đo lường, chất lượng nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hạ tầng chất lượng quốc gia. Luật hiện nay đã có quy định là việc xây dựng quy chuẩn thì cần có sự tham gia của doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp thì thấy rằng việc này còn rất hạn chế.

Theo đó, doanh nghiệp mong muốn rằng dự thảo mới sẽ có những yêu cầu bắt buộc khi xây dựng quy chuẩn thì cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp chịu tác động của quy chuẩn này. Những hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia như CPTPP cũng đã nêu những yêu cầu như vậy. 

Theo ông Khoa, hiện nay có một số quy chuẩn dù đã ban hành nhưng lại chưa có sẵn sàng phòng thử nghiệm để đánh giá sự phù hợp theo quy chuẩn ấy. Đặc biệt là với lĩnh vực công nghệ thông tin - nơi có những công nghệ mới phát triển rất nhanh như 5G, IoT, việc quy chuẩn ban hành ra chưa có phòng thử nghiệm đánh giá sẽ gây ra tình trạng lúng túng cho cộng đồng doanh nghiệp khi áp dụng quy chuẩn này. Với số lượng sản phẩm lớn thì sẽ không kịp thực hiện đo kiểm, đánh giá, chứng nhận để đảm bảo theo quy định nhập khẩu kinh doanh tại Việt Nam.

Do đó, góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, ông Khoa đề nghị các điều khoản thẩm định dự thảo quy chuẩn trước khi ban hành phải bao gồm những yêu cầu về việc đánh giá được tính khả thi, đánh giá được bằng phương pháp trong nước, phương pháp nước ngoài,... Bên cạnh đó, ông cho rằng, cần bổ sung quy định, trong trường hợp có các công nghệ mới thì cho phép chấp nhận những kết quả đánh giá sự phù hợp đã được thực hiện bởi những tổ chức chứng nhận của nước ngoài đã được công nhận có năng lực.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu quan điểm rằng, các quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nên được sửa đổi như sau: Tiếp tục giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với dịch vụ này, như các yêu cầu về máy móc, thiết bị, số lượng, kinh nghiệm của nhân sự. Tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ theo hướng doanh nghiệp tự khai báo, tự chịu trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ mới, tương tự như đã quy định trong lĩnh vực đo lường.

Bổ sung thêm quy định cấm các cơ quan nhà nước từ chối chỉ định đơn vị đánh giá sự phù hợp đủ năng lực. Bổ sung thêm quy định cấm về việc cố tình làm sai lệch kết quả đánh giá sự phù hợp. Bổ sung thêm quy định về hậu kiểm các kết quả đánh giá sự phù hợp.

Ngoài ra, tại Điều 23 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định “Tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện”. Tuy nhiên, hiện nay, có khá nhiều loại hàng hoá thuộc diện “bắt buộc” phải có tiêu chuẩn kỹ thuật thì mới được lưu thông như vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản, giống thuỷ sản, sản phẩm viễn thám, sản phẩm khí, xăng dầu, mũ bảo hiểm… Thêm vào đó, Điều 17.1 của Nghị định 119/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP) xử phạt hành vi “không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hoặc nhập khẩu”.

Việc đưa ra quy định về việc loại hàng hoá nào bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn và loại hàng hoá nào có thể tự nguyện áp dụng tiêu chuẩn hiện không có tiêu chí rõ ràng, cũng không có danh mục để doanh nghiệp tiện tra cứu. Theo đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng họ bị xử phạt do không biết rõ hàng hoá của mình thuộc diện phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số quy định sau trong dự thảo:

Thứ nhất, xác định rõ tính tự nguyện của tiêu chuẩn kỹ thuật, tức là chỉ tự nguyện về mặt nội dung, lựa chọn tiêu chuẩn nào hay bao gồm cả sự tự nguyện (hoặc sự bắt buộc) phải có ít nhất một tiêu chuẩn áp dụng.

Thứ hai, trong trường hợp bắt buộc phải có tiêu chuẩn, cần quy định về tiêu chí và thẩm quyền lựa chọn các loại hàng hoá, dịch vụ thuộc diện phải có tiêu chuẩn.

Thứ ba, nếu luật hoá việc bắt buộc phải có tiêu chuẩn thì cần cân nhắc việc ban hành (hoặc tập hợp) các loại hàng hoá, dịch vụ thuộc diện buộc phải có tiêu chuẩn để doanh nghiệp tiện tra cứu và thực thi.

Thứ tư, cân nhắc việc xã hội hoá thủ tục thông báo tiêu chuẩn cơ sở để tránh độc quyền về dịch vụ công. Ví dụ, doanh nghiệp có thể tự thực hiện hoặc uỷ quyền cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện thủ tục này.

Thứ năm, thủ tục thông báo tiêu chuẩn cơ sở cần thay thế thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng, tức là doanh nghiệp đã thông báo thì không cần công bố.

Thứ sáu, cần cho phép người mua hàng hoá, dịch vụ được tiếp cận với các thông tin về tiêu chuẩn áp dụng để từ đó làm căn cứ đánh giá, lựa chọn sản phẩm có chất lượng tốt hơn.

Đại diện VCCI cũng đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc xã hội hóa thủ tục thông báo tiêu chuẩn cơ sở. Ví dụ, doanh nghiệp có thể tự thực hiện hoặc ủy quyền cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện. Ngoài ra, việc quy định “tổ chức, cá nhân công bố tiêu chuẩn cơ sở có trách nhiệm thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu nội dung này theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần rà soát quy định giữa giám định thương mại tại Luật Thương mại và giám định theo Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật để tránh sự chồng chéo trong quy định pháp luật.

Còn đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đối với trường hợp xây dựng, thẩm định, ban hành Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Việt Nam theo trình tự, thủ tục rút gọn, để rút ngắn thời gian, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời đưa vào áp dụng phục vụ nhu cầu cấp thiết. 

Theo TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục sẽ tiếp thu các ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình sửa đổi Luật. Việc doanh nghiệp sản sinh ra các loại mã như QRcode là việc riêng của doanh nghiệp và không ai quản lý, tuy nhiên, cách sửa Luật sẽ hướng tới làm sao có thể truy hồi, xử lý nếu vấn đề về chất lượng xảy ra. Mã số mã vạch được coi là công cụ mà hiện nay thực tiễn dễ nhìn thấy nhất chính là định vị và truy hồi sản phẩm khi có vấn đề xảy ra về chất lượng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cũng khẳng định, việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là công việc rất khó khăn, tác động rất lớn tới các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế - xã hội. Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn nhận được các ý kiến từ các bộ, ngành địa phương, các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học,… để xây dựng được dự thảo Luật mang lại tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 251

Về trang trước Về đầu trang