Tin KHCN trong nước
Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 (11/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Năm 2023, ngành chăn nuôi phát triển tốt, các chỉ báo đều tăng so với năm 2022. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, công nghệ còn lạc hậu so với thế giới. Chính vì vậy, để tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành chăn nuôi đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 1742/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đẩy mạnh hoạt động KH&CN ngành chăn nuôi đến năm 2030” (Đề án 1742).

Ngành chăn nuôi năm 2023 - những kết quả tích cực

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực. Sản xuất chăn nuôi phát triển tốt, kiểm soát được dịch bệnh. Trâu, bò trong năm không có biến động lớn, đàn trâu tiếp tục xu hướng giảm, đàn bò tăng nhẹ; chăn nuôi lợn phát triển tốt; chăn nuôi gia cầm tăng trưởng ổn định. Ước tính tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 12/2023 giảm khoảng 1,0%, tổng số bò tăng khoảng 0,5%; tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 12/2023 tăng khoảng 4,2%; tổng đàn gia cầm tăng khoảng 3,3% so với cùng thời điểm năm 2022. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 4865,8 nghìn tấn, tăng 7,2%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm tăng 6,0%.

Nuôi bò sữa tại Mộc Châu, Sơn La.

Năm 2023, toàn ngành đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ giảm mạnh, chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại; liên kết sản xuất giữa các nông hộ hoặc giữa nông hộ với doanh nghiệp ngày càng được quan tâm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và việc ứng dụng tiến bộ KH&CN, công nghệ cao trong chăn nuôi được thúc đẩy; mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao đang dần được phổ biến, nhân rộng. Nhờ đó sản xuất chăn nuôi được duy trì phát triển tốt, tổng đàn vật nuôi chính đều tăng, ngoại trừ đàn trâu giảm nhẹ do diện tích chăn thả thu hẹp, nhu cầu về sức kéo giảm mạnh và hiệu quả kinh tế không cao. 

Năm 2023, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38% so với năm 2022; trong đó thịt lợn hơi đạt 4,87 triệu tấn, tăng 7,2%; thịt gia cầm hơi đạt 2,31 triệu tấn, tăng 6,0%. Sản lượng sữa tươi 1,17 triệu tấn, tăng 3,6%; trứng 19,2 tỷ quả, tăng 5,2%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 20 triệu tấn, giảm 2,4%.

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 132 triệu USD, tăng 24,1%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 157 triệu USD, tăng 36,3%.

Tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động KH&CN ngành chăn nuôi

Để tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động KH&CN ngành chăn nuôi đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đề án 1742 đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể: 1) Nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường năng lực nghiên cứu cho một số cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm công nghệ cao lĩnh vực chăn nuôi theo hướng chuyên sâu, hiện đại, đồng bộ ngang tầm khu vực và quốc tế; 2) Áp dụng KH&CN trong các lĩnh vực: chọn tạo giống vật nuôi chủ lực công nghệ cao đáp ứng được 95% nhu cầu giống lợn, 85-90% nhu cầu giống gia cầm, 100% nhu cầu giống thủy cầm, 70% giống bò thịt; chuyển giao công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia, đáp ứng khoảng 20-35% nhu cầu; chuyển giao công nghệ sản xuất trang thiết bị chuồng trại đáp ứng 80% nhu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững; chuyển giao công nghệ đảm bảo 50-55% cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp và 90% cơ sở chế biến trứng quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến vào năm 2030, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Đề án 1742 đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp: 1) Nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường năng lực nghiên cứu cho một số cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm công nghệ cao lĩnh vực chăn nuôi theo hướng chuyên sâu, hiện đại, đồng bộ ngang tầm trình độ trong khu vực và quốc tế; 2) Nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực bằng công nghệ cao để chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống vật nuôi trong nước; 3) Nghiên cứu công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia, phụ phẩm công - nông nghiệp và thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường; 4) Nghiên cứu công nghệ chuồng trại, quản lý chất thải chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững; 5) Nghiên cứu công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa, mật ong và các sản phẩm giết mổ đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Đề án 1742 cũng đưa ra 5 nhiệm vụ/dự án ưu tiên từ nay đến năm 2030 với tổng kinh phí dự kiến là 1.600 tỷ đồng: 1) Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho một số cơ sở nghiên cứu lĩnh vực chăn nuôi (kinh phí 1.000 tỷ đồng); 2) Nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao đáp ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (kinh phí 200 tỷ đồng); 3) Nghiên cứu công nghệ sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung, phụ gia, phụ phẩm công - nông nghiệp và thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường (kinh phí 150 tỷ đồng); 4) Nghiên cứu chọn tạo, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm vi sinh, vật liệu độn chuồng trong chăn nuôi (kinh phí 100 tỷ đồng); 5) Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giết mổ, chế biến và phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi (kinh phí 150 tỷ đồng).

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 5026

Về trang trước Về đầu trang