Tin KHCN trong nước
Hợp tác hiệu quả với khoa học công nghệ tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp (03/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Nông nghiệp là ngành đi đầu trong áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nhiều công nghệ mới được áp dụng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, từ đó giúp đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Việc hợp tác hiệu quả với khoa học công nghệ tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn diễn ra chiều 3/1/2024 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tham luận tại Hội nghị ngành NN&PTNT.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn.

Năm 2023, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở những mặt, lĩnh vực như: Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay (12,07 tỷ USD, tăng 43,7%).

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, ngành nông nghiệp là ngành đi đầu trong áp dụng thành tựu KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST), nhiều công nghệ mới được áp dụng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, từ đó giúp đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới với các loại nông sản như tôm, hạt điều, tiêu, gạo.

Giai đoạn 2018-2023, Bộ NN&PTNT đã công nhận 215 giống mới, 121 tiến bộ kỹ thuật 42 sáng chế, 224 tiêu chuẩn kỹ thuật, 125 quy trình kỹ thuật được ban hành. Các nhà khoa học nông nghiệp được trao tặng 18 giải thưởng về những đóng góp cho ngành khoa học nông nghiệp. Nhiều năm qua, năng lực, tiềm lực KHCN, ĐMST trong ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn nói riêng luôn có vai trò quan trọng trong tiềm lực KHCN, ĐMST nói chung của nước nhà.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, việc phối hợp giữa hai Bộ đã được xúc tiến rất thiết thực trong năm 2023 và nhiều năm qua, nhiều nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia được triển khai thực hiện, góp phần là một trong những giải pháp quan trọng, đóng góp có hiệu quả, tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết bài toán cực đoan về biến đổi khí hậu, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

Hợp tác hiệu quả với khoa học công nghệ tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp

Về nhiệm vụ và giải pháp của ngành nông nghiệp trong năm 2024, lãnh đạo Bộ KH&CN đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chương trình hành động của Chính phủ được ban hành theo Nghị quyết số 189, thực hiện Nghị quyết số 36 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đề án phát triển nông nghiệp sinh học thành ngành kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tiếp tục phối hợp với Bộ KH&CN triển khai nghiên cứu phát triển phục vụ các sản phẩm quốc gia giai đoạn sắp tới; quan tâm đẩy mạnh ứng dụng bức xạ, phương pháp chiếu xạ góp phần phát triển nông nghiệp. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tích cực, chủ động bố trí kinh phí lập thẩm định các hợp phần quy hoạch, gửi Bộ KH&CN hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ phê duyệt.

Bộ KH&CN đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất số lượng tổ chức KHCN thuộc Bộ được xếp hạng tại khu vực và thế giới đến năm 2030 để được ưu tiên đầu tư và thực hiện quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục chính sách tận dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ các nhà khoa học.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 4476

Về trang trước Về đầu trang